Vì thế chúng ta phải sử dụng chánh niệm tỉnh giác để xét xem điều
gì đang thực sự xảy ra bên trong chúng ta. Đây phải là công việc quan
trọng hàng đầu trong ngày của ta. Chúng ta sống là để diệt tận uế nhiễm,
chứ không để làm gì khác. Vậy mà uế nhiễm, khổ đau vẫn phải xếp hàng
chờ và chúng sẽ thiêu đốt ta nếu ta không cân bằng sức lực với chúng.
Chúng ta phải xoay ngược lại và tự hỏi làm sao để thoát ra hoàn cảnh
này. Chỉ có như thế mới cho ta kết quả mỹ mãn. Khi chúng ta vẫn còn
hơi thở, thân ta chưa thối rữa trong quan tài, chúng ta phải đi tìm giáo
pháp, tìm ra con đường để xóa sạch các căn nguyên của những chứng
bệnh khủng khiếp này: vi trùng của uế nhiễm và tham ái. Các căn bệnh
này ăn sâu vào trong tâm ta và chỉ có thể được chữa trị bằng Phật Pháp.
Từ nhiều loại Pháp dược mà Đức Phật đã kê toa, mỗi chúng ta phải lựa
chọn cẩn thận loại thuốc phù hợp với căn bệnh của mình, và rồi sử dụng
chúng – với sự thận trọng - để tận diệt các căn bệnh từ gốc rễ.
Nếu sự quán chiếu tự ngã không vì mục đích hủy diệt các uế nhiễm,
thì chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và cháy âm ỉ bên trong ta. Sự tự quán
chiếu là dụng cụ dập lửa mà ta sử dụng để dập tắt tham ái. Sau khi sử
dụng nó, chúng ta phải xét lại tâm mình: Nó có được giải thoát chưa hay
nó lại bùng phát mạnh thêm? Nếu ta không theo dõi, thì cuối cùng có thể
ta sẽ bị ngọn lửa thiêu rụi. Dầu ta nghĩ là mình thông minh tới đâu, ta
vẫn để tham ái làm chủ và không cố gắng để bứng rễ nó. Chúng ta còn
mở rộng vòng tay để đón nó nữa chứ! Vì vậy mà tâm ta trở thành nô lệ
cho tham ái. Chúng ta rơi vào ảo tưởng, chạy đuổi theo thứ này, thứ kia,
để rồi cuối cùng bị sập bẫy, không biết làm sao để thoát ra khỏi sự trói
buộc của nó.
Lúng túng vì thiếu cách giải quyết thấu đáo, và vô phương kế, ta trở
thành nô lệ của các uế nhiễm. Ta càng thường đầu hàng chúng, thì chúng
càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cách duy nhất có thể giúp ta thực sự chế ngự
được chúng là khơi dậy tâm chánh niệm tỉnh giác để đối phó và quán sát
– từ mọi khía cạnh - cái khổ mà các uế nhiễm mang đến cho ta, cho đến
khi tâm từ chối, không chấp nhận làm nô lệ nữa. Không ích lợi gì để làm
huyên náo bên ngoài, vì càng làm thế, thì các uế nhiễm càng trở nên khó
gỡ hơn. Vì thế chúng ta không thể nửa vời. Chúng ta cần một phản
ứng phù hợp với bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ có thiện ý thôi chưa đủ. Cái
ta cần làm là phải chú tâm và tăng cường chánh niệm tỉnh giác của ta với
tất cả sự cẩn trọng. Điều này rất quan trọng, hãy nhớ rõ như thế.
Để tâm có thể đạt được sự hiểu biết chân thực, nó cần phải liên tục
quán sát mọi hành động của chúng ta trong từng hơi thở. Nhờ thế nó mới
có đủ sức để dừng lại những mối bận tâm và khuynh hướng luôn tạo