dựng những suy tưởng vô bổ theo sự dẫn dắt của ảo tưởng. Khi chúng ta
không thực sự quyết tâm, thì sự tu tập của chúng ta chỉ nửa vời, kết cục
là chúng ta hoang mang, lúng túng – làm lãng phí thời gian quý báu. Vì
thế hãy nhìn vào bên trong và tiếp tục quán sát cho đến khi chúng ta có
thể nhìn thấy rõ ràng.
Thực ra, một khi chúng ta đã làm được việc này thuần thục, thì việc
quán sát nội tâm còn hứng thú hơn là nhìn ra bên ngoài. Ở bên ngoài,
không có gì hơn là những sự vật lướt qua, lướt qua. Có gì hứng thú trong
đó? Nhưng con mắt nội tâm có thể đi sâu vào ánh sáng chói lọi ở bên
trong, và dần tiến đến chân Pháp. Một khi ta đã nhận ra được bản chất vô
thường của tất cả mọi duyên hợp, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết mới
mẻ về bản chất thường hằng: bản chất không biến đổi mà chỉ đơn giản có
mặt.
Khi nào chúng ta còn chưa có đủ chánh niệm tỉnh giác, và toàn tâm
toàn trí, thì các uế nhiễm sẽ làm chủ ta. Nhưng nếu ta kiên trì trong việc
củng cố sức mạnh của chánh niệm tỉnh giác, các uế nhiễm dần dần sẽ
yếu đi và phai nhạt. Lúc đó ta sẽ bắt đầu ý thức rằng cái tâm thường
hoang mang, lừng khừng như thế nào thì bây giờ trở nên tự tin và trong
sáng. Giờ nó nhìn thấy được tính vô thường của sự vật một cách chính
xác hơn. Nó có thể buông bỏ chúng. Tri giác về tính vô thường giúp
chánh niệm tỉnh giác của chúng ta có thể tiến sâu, tiến sâu hơn nữa vào
tuệ. Nhưng sự đào sâu, mổ xẻ này phải thực sự tập trung và liên tục, vì
chỉ cần một chút lơ là, không chú tâm là hỏng ngay. Chỉ khi nó không lơ
là hay lang thang rời khỏi đề mục thiền quán, dầu chỉ trong chốc lát, thì
nó mới có thể chế ngự các uế nhiễm. Nếu nó vô tâm, lơ là thì nó chẳng
bao giờ có thể ảnh hưởng đến chúng, và chúng sẽ tụ hợp lại mạnh mẽ
hơn trước đó nữa.
Vì thế hãy phát triển chánh niệm tỉnh giác trong mọi hoạt động của
chúng ta, trong từng hơi thở. Hãy cố gắng giữ tâm tỉnh thức để nó không
trôi lăn theo vọng tưởng hay bị ảo giác lừa phỉnh. Và hãy cẩn thận với
thói quen hay nghĩ rằng “Tôi biết” khi chúng ta thực sự không biết. Khi
tâm còn chưa đạt được đến tuệ giác chân chính, thì tâm nghi hoặc, phóng
dật luôn có mặt, nhưng khi chúng ta bắt đầu thực sự thấy, thì nghi biến
mất và chúng ta không còn suy đoán về sự vật nữa. Chúng ta thực sự
biết.
Tuy nhiên, ngay bây giờ, làm sao chúng ta có thể chắc rằng tuệ giác
của mình là chân chính? Khi tâm thực sự thấy, thì uế nhiễm, khổ ưu thực
sự được hủy diệt; nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng chúng ta thấy mà