Tất cả chúng ta đều đã nếm trải phiền não, khổ đau, nên nhiệm vụ
quan trọng nhất trong đời chúng ta là phải diệt trừ chúng. Nếu tâm ta
thiếu hiểu biết Pháp, chúng ta phải đối mặt với các uế nhiễm đem đến
khổ đau một cách đầy tuyệt vọng. Trừ khi ta hướng về Phật Pháp, nếu
không ta lãng phí cuộc đời mình từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có thực
hành Pháp – và không có gì khác hơn - là có thể hủy diệt uế nhiễm và
giải thoát ta khỏi khổ đau.
Cơ bản mà nói, thực hành Pháp có nghĩa là luôn quán sát thân và
tâm, vì thân và tâm là nền tảng của hiện hữu. Cách chúng biến đổi chính
bản chất của mình là cái mà ta phải quán xét cho thật đúng, nếu không
chúng ta sẽ hành xử theo cung cách thường tình, không suy nghĩ, thiếu
hiểu biết và bám víu vào những thứ chỉ có thể làm cho khổ đau của ta
tăng thêm. Nguồn gốc khổ đau khó có thể được nhận biết, nếu không có
sự chú tâm toàn diện của chúng ta. Khi chúng ta quán sát sự lăng xăng,
lo lắng của tâm, có thể thấy rằng đó là do các căn bệnh của tham, sân và
si. Ham muốn thứ này, thứ kia không ích lợi gì mà chỉ đem đến bấn loạn
cho tâm, giống như lây nhiễm tâm với vi trùng bệnh.
Thông thường, chúng ta rất sợ bệnh ở thân, nhưng các chứng bệnh
của uế nhiễm, vấy bẩn tâm thì ta lại không quan tâm chút nào. Chúng ta
không muốn chấp nhận rằng các căn bệnh đó rất nghiêm trọng; mà đôi
khi, do vô minh, ta còn làm cho chúng nặng thêm. Vì lý do đó, thực sự đi
vào từng chi tiết, cặn kẽ việc diệt bỏ các uế nhiễm, vừa khó, vừa không
phù hợp, nhất là bên cạnh đó còn có nhiều, rất nhiều những quyến rũ ở
bên ngoài để khơi dậy lòng ái dục của ta. Người phàm phu hay lãng
quên, cứ quay cuồng theo những ham muốn của mình, nên luôn choáng
váng, mất thăng bằng trong cuộc sống. Điều đó dĩ nhiên là khổ ưu, vậy
mà ta không quan tâm đến tai họa này, không hề cố gắng chế ngự
khuynh hướng chạy đuổi theo dục lạc, thì làm sao ta tránh được việc phải
đầu hàng nó. Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về một thực tế là việc các
uế nhiễm đã chế ngự, đã lây nhiễm tâm, là cái khiến cho các căn bệnh
này càng khó chẩn đoán.
Vì thế chúng ta phải chuyển hướng tâm từ những sự vật bên ngoài,
đến chú tâm vào thân và tâm của ta. Thân và tâm, sắc và danh, bất cứ
chúng ta gọi chúng là gì, tất cả đều vô thường và biến hoại, nhưng kẻ
phàm phu khó nhận ra điều này. Chúng ta nghĩ đến điều này như sự phát
triển của con người. Từ những ngày đầu tiên còn trong bụng mẹ trở về
sau luôn có sự biến đổi, chuyển hóa. Sự phát triển đồng nghĩa với sự thay
đổi. Không có thứ gì trên trái đất này không bị biến đổi.