một cách vững chãi. Khi chúng ta đào sâu vào các chân lý về vô thường,
khổ và vô ngã, dù chỉ trong chốc lát, chúng ta thấy rằng đây thực sự là
một phương cách tuyệt hảo để giải tỏa tất cả mọi khổ đau, phiền não.
Nếu có điều gì đó mà chúng ta chưa giải tỏa, chúng ta cần phải thực sự
quán sát nó một cách thấu đáo và so sánh nó với những gì chúng ta đã
biết. Điều này sẽ đưa đến việc thoát khỏi sự ràng buộc của “ngã”, “cái
tôi” và “người khác”, của “cái của tôi” và “cái của họ”. Chỉ một giây
phút Giác Ngộ cũng đem đến giá trị cho cuộc đời của chúng ta. Không
có nó, chúng ta tiếp tục ở trong bóng tối triền miên của vô minh và
những hoang tưởng không dừng dứt, khiến tâm bị trói buộc trong sự tán
loạn không cùng tận - một tình trạng tồi tệ nhất.
Vì thế thay vì chỉ quan tâm đến việc ăn, ngủ và những hoạt động
bình thường khác, chúng ta phải phát triển sự hành thiền của mình một
cách vững chãi. Hãy chắc chắn rằng tâm luôn được kiểm soát bởi chánh
niệm tỉnh giác, luôn ở trong vòng kiềm tỏa. Đừng bao giờ để tâm chạy
đuổi theo những vấn đề khác chỉ làm mất thời gian. Bước đầu tiên trong
việc tu tập là giữ giới. Chúng ta cần phải thực hiện việc giữ giới, vì nếu
không mọi thứ sẽ không rõ ràng. Khi biết giữ giới, chúng ta sẽ thấy rằng
chúng đem lại những phần thưởng lớn. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng
mục đích của đời sống chỉ là để rèn luyện bản thân, để hủy diệt uế nhiễm
và khổ đau trước khi thân này nằm xuống. Nếu ta không quan tâm đến
việc tìm ra một nơi yên tĩnh thích hợp để tu tập, thì tâm sẽ có khuynh
hướng là đi tứ tán với những suy tư, vọng tưởng của mình, vì thế mỗi
chúng ta phải tự giải quyết cho riêng mình, giữ tâm lại khi nó lang thang
chạy theo các đối tượng giác quan, các định kiến và đem nó trở về để
quán sát nó ở bên trong, để có thể phát triển sự bình yên và tĩnh lặng
vững chãi.
Đức Phật đã đề ra những phương pháp tu tập đúng như là chánh
niệm về hơi thở, rất thích hợp cho việc phát triển tâm bình lặng. Nếu
chúng ta không sử dụng một trong những phương pháp này để làm căn
bản cho sự thực hành thì bất cứ kết quả nào cũng sẽ không bền vững và
mau chóng qua đi. Nhưng nếu chúng ta biết sử dụng chúng, tâm chúng ta
có thể được chánh niệm và tỉnh giác kiềm chế mà không sa vào xao lãng.
Mỗi chúng ta phải làm gì để đạt được những kết quả mà chúng ta
muốn? Chúng ta sẽ làm thế nào để cải thiện sự thực hành của mình trong
đời sống hằng ngày? Chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận đối với tất cả
những câu hỏi này. Đừng coi thường và quên lãng. Tất cả những gì
chúng ta làm trong khi thực hành – kể cả việc kiềm chế các căn môn-
chúng ta phải hết sức cương quyết mà không xao lãng hay lạc lối, nếu
không thời gian sẽ qua đi, cuộc sống sẽ ngắn dần mà chúng ta không đạt