Chánh Niệm Như Trụ Cột Của Đập Nước
Bàn luận về việc tu tập đem lại cho ta nhiều lợi ích hơn là bàn luận
về bất cứ chuyện gì khác, vì nó giúp ta phát triển trí tuệ. Nếu hành theo
phương pháp tu tập này từng bước một chúng ta có thể biết được bản
thân, biết được nội tâm mình. Khi ta biết được bản thân qua sự quán sát,
truy nguyên những tai hại và khổ đau do phiền não, ái dục, và chấp thủ
gây ra, thì sẽ có lúc ta đạt được sự hiểu biết chân chính, giúp ta ngày
càng ly tham và ngày càng buông bỏ. Rồi tâm ta sẽ tức khắc tĩnh lặng,
không còn có những tâm hành thường thao túng tâm do thiếu sự quán
chiếu bản thân.
Các nguyên tắc để tìm hiểu bản thân là những công cụ quan trọng
nhất của chúng ta. Chúng ta phải có những nỗ lực với chủ đích để có thể
làm chủ chúng, nhất là việc sử dụng chánh niệm để tập trung tâm và đưa
nó đến an định. Nếu chúng ta không tập trung duy trì tâm an trụ hay xả
làm vị thế căn bản của tâm, nó sẽ lang thang đuổi theo vọng tưởng hay
các xúc chạm giác quan khiến tâm tán loạn và bất an. Nhưng khi chúng
ta tập chế ngự các căn bằng cách duy trì chánh niệm liên tục trong tâm,
thì giống như đóng các cột trụ cho một con đê. Nếu có dịp quan sát các
trụ đê, ta sẽ biết rằng các trụ này được đóng sâu, rất sâu vào trong đất để
chúng hoàn toàn vững chắc, không di động. Nhưng nếu ta đóng chúng
xuống bùn, chúng sẽ dễ dàng bị lay chuyển dù đụng chạm nhẹ. Điều này
có nghĩa là chánh niệm của ta phải vững chắc như thế nào để giúp tâm
kiểm soát được sự yêu hay ghét khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài.
Tâm phải luôn duy trì được chánh niệm vững chắc trong mọi hoạt
động, với từng hơi thở ra vào, để tâm không còn chạy tán loạn theo đuổi
các vọng tưởng. Nếu ta không chế ngự được điều này, tâm sẽ bị kích
động khi có sự tiếp xúc với các căn, giống như con thuyền không lái trôi
dạt đến bất cứ nơi nào mà gió và sóng đưa đẩy đi. Đây là lý do tại sao ta
cần chánh niệm để canh giữ tâm trong mọi lúc. Nếu ta có thể duy trì
chánh niệm liên tục trong mọi hoạt động, tâm của ta sẽ liên tục bình ổn,
sẵn sàng để quán chiếu, truy nguyên nhằm đạt được tuệ.
Bước đầu tiên trong việc đóng cột trụ cho cái đê của chúng ta nói
cách khác, để làm cho chánh niệm vững chắc là chúng ta phải tập trung
vào sự bình ổn tâm như một vị thế cơ bản của tâm. Không có gì phải
nghĩ ngợi. Chỉ cần làm cho tâm vững chắc trong sự bình ổn của nó.Nếu
ta có thể liên tục làm được điều này, đó chính là lúc ta sẽ có được một
mẫu mực chân chính cho sự quán niệm của ta, vì tâm sẽ tập trung vào