Một khi tâm lặng lẽ, tập trung, nó trở nên tinh tế hơn, thâm nhập sâu hơn
vào bên trong và nhận biết được chính trạng thái định của nó từ bên
trong.
Còn các xúc chạm giác quan, những thứ bên ngoài luôn sinh diệt,
nên không ảnh hưởng đến tâm định tĩnh. Điều này có thể khiến cho ái
dục tan biến. Ngay cả những lúc chúng ta thay đổi oai nghi vì đau đớn
khởi lên trong thân, tâm lúc đó vẫn vững bền, vẫn tập trung, không phải
vào cái đau, mà vào chính sự vững chãi của nó. Khi ta thay đổi oai nghi,
sẽ có phản ứng của thân và tâm vì khí huyết lưu thông tốt hơn và cảm
giác dễ chịu xảy ra thế chỗ cho những đau đớn, nhưng tâm sẽ không
vướng mắc vào lạc hay khổ. Nó sẽ vẫn ổn định, tập trung và vững chãi
trong sự bình ổn của nó. Trạng thái vững chãi này có thể dễ dàng giúp ta
buông bỏ những khát vọng tiềm tàng trong các cảm thọ. Nhưng nếu ta
không giữ tâm tập trung trước như vậy, tham ái sẽ tạo ra tán loạn, khiến
tâm bắt đầu muốn thay đổi, đảo lộn sự việc để có thứ hạnh phúc này,
hạnh phúc nọ.
Nếu ta liên tục tu tập theo cách này, cố sức bền bỉ làm mãi thì cũng
giống như đóng cột trụ vào trong đất. Chúng ta đóng càng sâu vào thì cột
càng không thể lay động. Chính đó là lúc ta sẽ có thể đối phó với các xúc
chạm giác quan. Nếu không, tâm sẽ bắt đầu sôi sục vọng tưởng đuổi theo
sắc, thanh, hương, vị và xúc. Đôi khi nó cứ dựng lên những những điều
vô nghĩa sáo mòn mãi. Đấy là do các cột trụ chánh niệm của ta chưa
vững chắc. Chúng ta vấp ngã trong đời sống là do chưa rèn luyện chánh
niệm đủ liên tục để tâm tập trung, buông xả một cách vững chãi. Vì thế,
chúng ta phải làm cho con đê chánh niệm của ta vững chắc, an toàn.
Sự định tâm này là điều chúng ta nên phát triển trong mọi hoạt
động, với từng hơi thở vào, ra. Như thế, chúng ta sẽ có thể nhìn thấu suốt
những mê lầm của mình, để thấy chân lý về vô thường và vô ngã. Nếu
không, tâm sẽ đi lạc đó đây, giống như một chú khỉ tinh ranh. Nhưng khỉ
cũng có thể bị bắt và được huấn luyện để làm trò. Cũng vậy, tâm là cái
cũng có thể được rèn luyện, nhưng nếu ta không buộc nó vào cây cột
chánh niệm và cho nó hưởng mùi vị của cái gậy, nó sẽ rất khó dạy.
Khi rèn luyện tâm ta không nên ép nó quá, mà cũng không nên để
mặc cho nó hành xử theo thói quen cũ. Ta phải thử thách bản thân để
xem cách nào đem lại hiệu quả. Nếu ta không giữ tâm chánh niệm tập
trung, tâm sẽ nhanh chóng chạy đuổi theo vọng tưởng hay dao động khi
tiếp xúc với các trần cảnh. Khi ta để tâm trôi dạt theo trần cảnh, chính là
vì ta chưa thiết lập chánh niệm làm nền tảng vững bền. Trong trường hợp
đó ta không thể dừng lại. Ta không thể trở nên tĩnh lặng. Ta không thể
được giải thoát. Đây là lý do tại sao chúng ta phải đóng cọc trụ cho con