ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT - Trang 79

Chúng ta phải tìm phương cách như thế đó, dầu ta đối mặt với cái

đau hay sự dễ chịu nơi thân tâm. Thật ra, sự dễ chịu còn khó trị hơn cái
đau đớn vì ta khó thấu hiểu nó, nhưng lại dễ sa bẫy của nó. Còn về cái
đau, không ai muốn vì nó rất khó chịu. Vậy chúng ta phải quán niệm như
thế nào để buông bỏ cả khoái lạc lẫn đau đớn? Đây là vấn đề chúng ta
đối diện từng giây phút. Chứ không phải khi tu tập là chúng ta chỉ chấp
nhận sự dễ chịu và dừng lại khi gặp đớn đau. Không phải như thế chút
nào. Chúng ta phải học làm sao để đọc cả hai mặt, để thấy rằng đau đớn
là vô thường và khổ, mà khoái lạc cũng vô thường và khổ. Chúng ta phải
thấu suốt rõ ràng những điều này. Nếu không, chúng ta sẽ bị ái dục gian
ngoan lừa dối. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta -ngồi, đứng, đi, nằm
xuống- thật sự chỉ để được thoải mái, dễ chịu, có phải thế không?

Đây là lý do tại sao có nhiều, quá nhiều cách qua đó chúng ta bị

khoái lạc lừa gạt. Bất cứ chúng ta làm việc gì, chúng ta làm vì khoái lạc
mà không ý thức rằng chúng ta đang bị sa lầy trong đau khổ và phiền
muộn sâu đến chừng nào. Khi quán niệm về vô thường, khổ, và vô ngã,
chúng ta chưa đạt được kết quả gì, vì chúng ta chưa nhìn thấu suốt khoái
lạc. Chúng ta vẫn còn nghĩ đó là chuyện tốt. Chúng ta phải quán chiếu
sâu vào sự kiện là khoái lạc vật chất hay tinh thần đều không mang lại
thoãi mái thật sự. Tất cả đều là khổ. Khi ta thấy được khoái lạc dưới khía
cạnh này, chính là lúc ta sẽ có thể hiểu vô thường.

Rồi một khi tâm không còn tập trung vào việc hướng đến dục lạc,

tâm sẽ bớt khổ và bất an. Ta sẽ có thể thấy những bất như ý (khổ) là
chuyện bình thường. Thấy rằng dầu ta cố gắng đến bao nhiêu để hoán
chuyển cái đau bằng sự thoải mái, ta cũng không tìm được sự thoải mái.
Do đấy, ta sẽ không quá bận tâm cố gắng thay đổi các khổ thọ, vì ta thấy
rằng không thể có sự thích thú hay dễ chịu đối với các uẩn, rằng chúng
chỉ mang lại cho ta khổ và bất an. Như trong lời dạy của Đức Phật mà
chúng ta đọc tụng hằng ngày: "Sắc là khổ, thọ, tưởng, hành, thức cũng
đều là khổ". Vấn đề là chúng ta chưa quán sát sâu xa vào chân lý của
sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Sự hiểu biết của chúng ta chưa sâu sắc vì
chúng ta không nhìn ở góc độ của sự hiểu biết chân chính. Và vì thế
chúng ta bị lừa dối và mải mê lang thang tìm kiếm khoái lạc, để rồi
chẳng thấy gì ngoài khổ mà lại tưởng lầm là khoái lạc. Điều này chứng
tỏ chúng ta vẫn còn chưa thật sự mở tai, mắt của mình; chúng ta vẫn còn
chưa biết chân lý. Tuy nhiên, khi chúng ta thật sự biết chân lý, tâm sẽ có
khuynh hướng trở nên yên tĩnh, tự tại nhiều hơn là lang thang đi tìm
khoái lạc. Một khi tâm ý thức được rằng không thể tìm được khoái lạc
thật sự bằng cách đó, tâm sẽ trở nên lắng đọng và yên tĩnh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.