Nếu ta giữ giới mà không chế ngự các căn thì giới của ta không thể
trong sạch. Đó là vì ta không quan tâm đến việc nhìn và nghe như thế
nào, nên ta không thể biết tham, ái dục và uế nhiễm đã khởi lên như thế
nào lúc mắt thấy sắc và tai nghe âm thanh. Thiếu sự chế ngự các căn là
điều làm cho sự giữ giới không trong sạch. Ta tạo tác các vấn đề ở bên
ngoài và điều này làm ô nhiễm thân và khẩu của ta. Do đó sự chế ngự
các căn là đức tính giúp che lấp các khe hở trong tâm. Nếu ta phát triển
đức hạnh này, lời nói và hành động của ta trở nên thiện hảo, đáng
ngưỡng mộ - giống như các tu sĩ phòng hộ các căn rất nghiêm nhặt,
không phóng tầm nhìn, không nhìn các đối tượng nguy hại cho tâm,
không gắn bó với các hương vị qua sự xúc chạm của mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân và ý. Các ngài quán sát sự hoại diệt của các hiện tượng thân và tâm
để tâm của các ngài không bị xáo trộn bởi sự ưa ghét.
Phần đông chúng ta không quan tâm đến việc tu tập chế ngự các
căn, vì thế ta trở thành nạn nhân của dục lạc. Ta tự buông thả trong sự
thích hay không thích hình sắc, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm; vì thế
tâm bị uế nhiễm khi, do ảo tưởng, nó sa vào sự hưởng thụ các thứ này.
Dầu bị lừa dối như thế nào, ta vẫn không ý thức được việc gì xảy ra vì
hương vị của các lạc thọ khiến ta muốn hưởng thụ thêm nữa. Ta chưa đủ
tỉnh giác để thấy sự tai hại của chúng. Muốn buông bỏ điều gì, ta phải
thấy sự tai hại của nó. Nếu ta chỉ tự nhủ mình buông bỏ, buông bỏ,
buông bỏ, ta không thể thật sự buông bỏ. Ta phải thấy sự tai hại của
những thứ mà ta bám víu vào, rồi thì ta sẽ tự động buông bỏ - cũng như
khi ta bốc phải lửa, khi thấy nóng, ta sẽ tự động buông xuống và không
bao giờ dám đụng đến nó nữa. Ta chưa ý thức được cái nóng của lửa ái
dục, nên ta vẫn còn ưa thích chúng lắm. Dầu mọi sự bám giữ, bản chất
của chúng là phiền não, ta vẫn thấy đó là đúng. Dầu chuyện gì xảy ra, ta
vẫn cứ bám giữ. Điều này đã trở thành bản tính thứ hai của ta. Ta không
ý thức rằng ta đang nắm giữ lửa nên ta còn muốn thêm nữa. Đây là lý do
tại sao tâm ta chẳng bao giờ chán sự bám giữ.
Khi ta không thể thấy khổ của ái dục thì làm sao ta có thể thấy được
cái khổ của những điều vi tế hơn nằm yên dưới sâu, như là ngã tưởng. Ta
vẫn bị quyến rũ bởi những miếng mồi bên ngoài qua các căn mắt và tai,
vậy mà ta chưa ý thức được điều gì đang xảy ra. Những điều này giống
như viên thuốc độc được bọc đường. Ta thấy viên thuốc ngọt. Ta nuốt
độc dược, nuôi dưỡng tham ái, uế nhiễm gây bao khổ đau, phiền não,
vậy mà ta không thấy chúng là khổ. Ta vẫn thưởng thức vị đường và còn
muốn thêm nữa. Đấy là vì tâm ta chưa bao giờ nhàm chán các dục lạc,
chưa phát triển bất cứ tâm xả, bất cứ ý muốn được giải thoát nào. Tâm