Giờ chúng ta đã hành Pháp, chúng ta bắt đầu có chút hiểu biết về
những gì đang xảy. Bất cứ ai tu tập mà không tự mãn sẽ thấy rằng uế
nhiễm, và phiền não ngày càng nhẹ bớt đi, từng bước một. Ở những lĩnh
vực trước đây ta thường bị đánh bại, giờ chúng ta sẽ chiến thắng. Nơi
chúng ta thường bị lửa phiền não thiêu dốt, giờ chúng ta có chánh niệm
tỉnh giác để đốt lại chúng. Chỉ khi chúng ta không còn dò dẫm loanh
quanh và thật sự thức tỉnh thì chúng ta mới có thể nhận rõ được sự lợi ích
của Pháp, sự quan trọng của Pháp hành. Lúc đó không thể nào chúng ta
bỏ quên việc tu tập, vì trong ta luôn có điều gì đó thôi thúc ta tiếp tục tu
tập. Nếu ta không tu tập để diệt trừ uế nhiễm, thì phiền não sẽ chồng chất
thêm lên. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục tu hành cho đến hơi
thở cuối cùng.
Chúng ta phải kiên quyết không để bị đưa lạc đường. Những người
chánh niệm tỉnh giác sẽ tự nhiên hành động theo đường này. Những
người không có chánh niệm tỉnh giác sẽ tiếp tục đi theo uế nhiễm của họ,
cuối cùng quay lại chỗ cũ nơi họ chưa bắt đầu tu tập để giải thoát khỏi
khổ. Họ có thể vẫn tiếp tục tu, nhưng khó thể nói họ tu tập để làm gì -
thường là để thêm nhiều phiền não. Điều này chứng tỏ là họ còn dò dẫm
loanh quanh - và khi dò dẫm như thế, họ bắt đầu chỉ trích việc hành Pháp
là vô dụng và không tốt.
Khi một người sẵn sàng tuân theo uế nhiễm và ái dục, không có
cách gì người đó có thể tu hành. Cũng như khi chèo thuyền ngược dòng
sông - ta phải dùng sức mạnh nếu ta muốn tiến lên phía trước. Không dễ
gì đi ngược với dòng chảy của uế nhiễm, vì chúng luôn sẵn sàng kéo ta
xuôi theo dòng. Nếu ta không có chánh niệm tỉnh giác, không dùng Phật
Pháp để quán xét mình, thì có sức mạnh cũng không giúp ta được. Nếu ta
chỉ có chút ít chánh niệm tỉnh giác để đối đầu với bao uế nhiễm, chúng
sẽ khiến ta do dự. Và nếu ta sống với kẻ nịnh hót có lời lẽ ngọt ngào, ta
sẽ còn đi xa đường đạo hơn nữa. Ta sẽ dính vào đủ thứ chuyện ngoài lề
và quên lãng chuyện tu hành.
Như thế việc hành Pháp là đi ngược dòng chảy, ngược lên thượng
nguồn chống lại với khổ đau, phiền não. Nếu ta không quán niệm về khổ,
thì việc tu hành của ta chẳng đi đến đâu. Khổ chính là nơi ta phải bắt
đầu, rồi cố gắng truy tìm nguyên nhân gốc rễ của nó. Ta phải sử dụng trí
tuệ để truy nguyên một cách chính xác khổ bắt nguồn từ đâu, vì khổ chỉ
là quả. Một khi thấy quả, ta phải truy tìm nhân. Những người có chánh
niệm tỉnh giác không bao giờ tự mãn. Bất cứ khi nào phiền não khởi lên,
chắc chắn là họ phải tìm ra nguyên nhân để có thể diệt trừ chúng. Việc
truy nguyên này có thể tiến hành ở nhiều mức độ, từ thô đến tế và đòi hỏi