gắng khắc phục chúng, chúng sẽ yếu dần khi chánh niệm tỉnh giác của ta
trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là lúc ta có thể nói rằng ta đang tiến bộ trong
việc hành Pháp: khi ta có thể diệt trừ khổ đau và phiền não của mình.
Vì vậy hãy cố gắng đi trọn đường trong khi ta còn chút hơi thở. Đức
Phật dạy, "Hãy cố gắng đạt cho được cái-chưa-đạt-được, đến cho được
nơi-chưa-đến-được, thực hiện cho được cái-chưa-thực-hiện-được". Ngài
không muốn chúng ta yếu đuối và do dự, luôn tìm cách bào chữa cho
mình, vì giờ chúng ta đã quy y hay đã xuất gia, chúng ta đã thể hiện một
sự hy sinh trọng đại. Vào thời Đức Phật, bất kể quý tăng ni thuộc tầng
lớp xã hội nào quý tộc, trưởng giả hay giai cấp thường dân một khi đã rời
khỏi nhà là họ đã cắt đứt mối liên hệ gia đình và nhập vào dòng dõi
Thích Ca mà không bao giờ quay trở về gia đình. Đức Phật bảo, từ bỏ
xuất gia để trở lại với đời sống thế tục là trở thành một người không còn
giá trị. Mối quan tâm duy nhất của Đức Phật là cứu người, kéo họ ra khỏi
khổ đau, phiền não. Nếu muốn thoát khổ, chúng ta cũng phải noi theo
gương Đức Phật, cắt dứt mọi lo lắng, quan tâm cho gia đình, người thân
và nhập vào dòng dõi Thích Ca. Sống và tu tập theo giới luật của Đức
Phật quả thật là nơi nương trú tối thượng, là con đường tối thượng.
Những người sống theo giới luật Phật pháp (Dhamma-Vinaya) - dầu
họ chỉ thi thoảng mới đạt được chút hương vị an lạc của Pháp mà chưa
đạt được đạo quả - nguyện dâng đời mình cho Phật, Pháp và Tăng. Họ ý
thức rằng dầu họ đạt được bất cứ thành quả nào cũng không giúp họ
được giải thoát khỏi khổ, nhưng nếu họ được nương trú vào Tam Bảo, họ
sẽ được giải thoát trọn vẹn. Người có chánh niệm tỉnh giác sâu sắc, biết
nhìn xa và tỉ mỉ sẽ vượt qua bờ bên kia. Họ đã sống khá lâu trên bờ này
và đã chịu nhiều đau khổ quá sức chịu đựng. Họ đã quanh quẩn trong
vòng sinh tử vô cùng vô tận. Ý thức được rằng họ phải đi qua bờ bên kia,
vì thế họ nỗ lực không ngừng để xả bỏ cảm giác về ngã.
Bờ bên kia không quá xa xôi, nhưng để đến đấy trước tiên ta phải từ
bỏ cảm giác về tự ngã bằng cách quán sát ngũ uẩn để thấy tất cả chỉ là
khổ, chứ không phải là "tôi" hay "của tôi". Chú tâm vào một đề mục duy
nhất của sự không bám víu. Đức Phật có lần nói quá khứ như là ở phía
dưới, tương lai ở trên và hiện tại là ở chính giữa. Ngài cũng dạy tính bất
thiện là ở phía dưới, đức tính thiện ở trên và tính không thiện, không ác
nằm ở giữa. Đối với tất cả các đức tính này, Đức Phật dạy ta, "Đừng
chấp chúng". Ngay cả Niết Bàn, bờ bên kia, cũng không nên bám vào.
Hãy xem chúng ta sẽ được giải thoát đến mức độ nào nhờ xả bỏ! Bất cứ
ai trong chúng ta còn chưa hiểu rằng ngay cả Niết bàn cũng không được
bám víu, nên xem xét lại lời dạy căn bản bảo chúng ta không nên bám