tháng mới xây xong. Đám thợ giũ quần áo ra về, đã tưởng được món tiền
lớn về giúp vợ nuôi con, nào ngờ quan tính tiền ăn, tiền thuốc sái, bài bạc
đã hết ngoẻn, bòn nhặt chỉ còn đủ xuất tàu về. Chà, về được còn may. Vì
còn có người có đi mà không có về. Chuyện kín lắm. Mấy người này nghe
đâu xây cái hầm sâu cho quan. Một sáng mai trở dậy tất cả đều biến vào vô
tăm tích.
Ngày Chao dọn từ căn nhà gỗ kiểu chữ môn tới tòa lâu đài thì mới thật là
một ngày hội có một không hai. Công sứ Ét-các-lat, chánh mật thám Đen-
mátx, các sĩ quan Pháp đồn trú ở Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang, ở tỉnh lỵ,
ở các huyện miền Tây đều đến dự. Thổ ty La Văn Đờ ở Pha Linh, Nông
Vĩnh Yêng bên Mường Cang cũng sang. Rồi binh thầu, seo phải, mù lao,
tổng mán, quản mán, ở khắp các thôn xã trong châu kéo tới dâng quà, chúc
tụng. Bò lợn chết như có dịch. Rượu bắp phải vài ba trăm cân. Thật là một
dịp hiếm có để quan châu phô trương thanh thế với dân chúng và bày tỏ
lòng trung thành với mẫu quốc đại Pháp.
Giờ thì tòa nhà lặng lẽ đứng đây, như một hiện vật câm lặng của lịch sử,
muốn thách thức sự bền vững với thời gian và mọi biến cố.
Kiến chống tay trên sườn ngước nhìn tòa nhà như nhìn một đối thủ. Anh
khó chịu vì cái vẻ cổ lỗ, già nua của nó, càng bực hơn vì hai cánh cửa từ
nẫy đến giờ mặc dù tên gia nhân đã ra, hẹn sẽ vào bẩm báo quan châu, đến
hơn một giờ rồi mà vẫn cứ đóng im ỉm.
— Ông Chính! Tôi đập cửa đây. Mẹ nó chứ! Mười lăm phút nữa mà nó
không mở, tôi bỏ về ngay!
Chính đứng với Pao ở bờ con suối. Đêm qua, Pao đưa hai anh vào nghỉ
một nhà người bạn ở châu lỵ. Nghe tin Việt Minh lên, dân châu lỵ đến trò
chuyện với hai anh tới gần sáng.