khí tĩnh mịch hòa hợp với hương thơm rất mỏng nhẹ của những giò phong
lan nở hoa treo trên tường và hương chè ngan ngát có vị đường phèn.
Khi Quang Ngọc sau buổi đàn thuê ở ô-ten Tứ Xuyên, mệt mỏi bước vào
quán thì ở góc quán, cái máy hát đang thả ra một giọng hát thỏ thẻ, nhỏ như
một sợi tơ vương:
Này tri âm ơi
Thuyền tình sao vội xuôi dòng
Cho ruột em héo, cho lòng em đau
Cá nhớn bỏ cả đi đâu
Để đàn rô nhép cắn câu dỗ mồi...
Ngọc tìm đến cái bàn trong cùng, ngồi xuống, bẻ ngón tay. Những ngón
tay anh đau nhức, cứng queo. Anh ấp cả hai tay vào ấm trà nóng. Men sứ
ấm rực tay Ngọc. Tay Ngọc nở ra. Anh thấy dễ chịu dần. Và khi thả những
cục đường phèn trong suốt vào chén trà hương có một bông hoa cúc chìm ở
dưới đáy, khứu giác anh đã hoàn toàn tỉnh lại. Anh nhấp một hụm nhỏ,
nhấm nhấm đầu lưỡi vừa thơm vừa chát vừa ngọt, duỗi hai chân, ngả người
vào vách tường: “Ước gì, đời là những phút như thế này!”.
Góc quán bên kia từ nãy đã có người ngồi. Họ cũng như Ngọc, lặng lẽ,
kín đáo. Ngọc biết họ. Họ và Ngọc đều là khách quen của quán. Ngồi quay
lưng lại phía Ngọc là ông Bằng, chủ sự bưu điện, con người đằm tính, chín
chắn, mặc com-lê xám, đầu húi cua, khỏe chắc như một đô vật. Cạnh ông
Bằng là ông giáo Huyền dạy thể thao ở trường tiểu học, điển trai và đỏm
dáng, con người được tiếng là khôn ngoan, thức thời. Dựa lưng vào tường
vách là một người trẻ tuổi, tóc gọng kính, lấm chấm hàng râu quai nón mới
cạo. Anh này chơi ác-mô-ni-um và dạy gái đồng trinh hát thánh ca ở nhà
thờ. Chỉ có một người Ngọc nhang nhác quen mặt. Người này mới vào,
nhập chung bàn, nhưng không cùng bọn với tốp ông Bằng. Anh ngồi ở sát
vách, mặc áo săng-đay, quần xanh, cúi gằm hút thuốc, chỉ nhận ra cái trán
rộng anh ánh bóng: “Mệt quá! Tay mình đã bật máu ra rồi mà bọn quỷ ấy