Nhưng Ngọc bỗng đặt kịch chén trà xuống mặt bàn. Ông Bằng vừa kéo
mạnh cái ghế áp vào tường, hơi cúi xuống:
— Hôm qua, hiến binh vừa bắt ba người ở thôn Vạn Hoa.
— Thế kia à! — Ông giáo Huyền ngẩng lên, nhíu mắt.
— Họ thủ tiêu ngay. Nghe nói, đêm họ đem ra cầu Cốc Lếu...
— Chẳng có lẽ... Tiền bối của họ là những Nguyễn Thái Học, Phó Đức
Chính, Ký Con... kia mà.
Ông Huyền vẫn nhíu mắt thầm thì. Ông Huyền nói gì? Ngọc lại giật thót
mình. Sao? Ở cái đề-pô Phố Mới cạnh thôn Vạn Hoa nơi Ngọc ở trọ, có
Việt Minh? Và Quốc dân Đảng đang lùng bắt Việt Minh! Hai ngày hôm
nay Ngọc không về Vạn Hoa rồi. Kìa, lại có tin Việt Minh đang từ Yên Bái
kéo lên...
— Ông Huyền này...
— Dạ.
— Tôi nghe nói, các thổ ty...
Nhích ra xa cái bàn, đang nói, ông Bằng chợt ngậm miệng im lặng. Cái
máy hát lại xè xè chạy, buông ra những lời nỉ non. Chìm trong mênh mang,
ông Bằng chợt thấy lòng mình bừng lên bao bồi hồi, nôn nả. Phải rồi, bọn
tiếm quyền tưởng là đã thâu tóm được quyền hành, nhưng đâu có phải. Các
thổ ty đâu đã chịu. Hoàng Văn Chao, La Văn Đờ, Nông Vĩnh Yêng... họ có
súng ống, có quân. Lại còn họ Đèo bên miền Tây... Trời! Bao giờ Việt
Minh lên? Việt Minh đã lên đất này, đã thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Và
con người ấy, con người cứng như thép đã giải thể chính quyền bố chính
của Nhật ấy, đã đối đáp thật cứng cỏi với Lý tư lệnh ấy, giờ ở đâu? Việt
Minh không quên đất này đâu. Nhất định họ không quên đất này đâu?
Này tri âm ơi
Thuyền tình sao vội xuôi dòng
Cho ruột em héo cho lòng em đau.
Cái máy hát lại thả ra những dòng thương nhớ nôn nao.