lên đây chơi nhạc cho các lão tướng Tàu nghe, để rồi bây giờ bơ vơ khốn
nạn như mình thế này...
— Tao nói thật với mày, Ngọc ơi — Trọng hơi ngẩng lên rồi lại cúi
xuống, rền rĩ — Tao không còn một chút niềm tin nào nữa. Mộng xưa đã
thành mây khói. Tao không đủ tiền để tổ chức một phòng triển lãm riêng.
Thằng Đờ-cu khốn kiếp chẳng đủ tinh thần và tài cán bảo hộ xứ này khỏi
họa giặc Lùn, để thực hiện lời hứa cho tao du học. Tao đã sống khốn khổ.
Tao không muốn ăn bám vợ. Tao đã đói, đã phải bán dần đồ đạc đi, đã phải
ăn nhờ những thằng bạn tốt như mày hàng tuần liền, đã phải vẽ cho tờ lá
cải của thằng Hoàng Trừ thân Nhật. Báo nó đình bản. Tao sang tờ Thiếu
nhi. Được mười sáu số thì tòa soạn đóng cửa vì ế, vì hết vốn. Tao lại nhận
minh họa cho tờ Đội Cấn. Ra được ba số, báo lại chết. Tao đã cầm chén
thuốc độc trên tay, Ngọc ơi, mày... sau những ngày tháng tám ấy, mày đi
đâu?
“Tao đi lang thang”. Ngọc nghĩ, lửng lơ.
Trọng lắc đầu, hai mắt kính nhòa nhoà:
— Độc lập gì mà đời sống khó khăn thế, hả mày? Cứ vẫn hỗn loạn. Cứ
vẫn các đảng phái tranh nhau. Tao đã bỏ đô thành vào Huế. Nhưng cũng
vậy thôi. Còn đâu Huế thơ, Huế mộng nữa? Tao lại quay ra. Thủ đô của
chúng mình rối ren quá. Sao Việt Minh lại ký cái Mồng sáu tháng ba? Xít
mác, mác xít gì? Thằng Giả bạn tao, sống như một ông hoàng, nhà nuôi
toàn đầy tớ gái, mỗi ngày thuê một gái tơ trần truồng làm mô-đen. Nó bảo
tao: “Không thể theo chủ nghĩa cộng sản được. Nghệ thuật và con người
theo chủ nghĩa cộng sản thì giống nhau một khuôn rập...”. Rồi nó dẫn tao
đi. Tao đi trong sương khói. Rồi tao gặp Vũ Khanh, mày có biết Vũ Khanh,
ủy viên Trưởng trung ương Quốc dân Đảng? Tao muốn thoát khỏi sự rối
ren vô nghĩa.
“Thế thì lên đây mày sẽ còn thất vọng, Trọng ạ. Ở đây chỉ có sự trụy lạc,
suy đồi ê ẩm ngự trị. Đây là nơi lên ngôi của khoái lạc bỉ tiện, gớm
guốc...”. Ngọc theo đuổi một ý nghĩ.
— Hừ, cuộc đời tao lộn tùng phèo cả rồi. Ngọc ơi, mày có nhớ thằng
Khắc, thằng Toàn, thằng Nghị, bọn bạn học cũ của chúng mình? Tao đã gặp