chúng nó ở Trường Quốc gia Thanh niên đoàn. Chúng nó cũng như tao.
Chán chường, vô vọng.
“Tao không như chúng mày, tuy tao hiện đang tiêu pha đời sống một
cách vô bổ”. Ngọc nghĩ, mắt hướng ra phía cửa sổ nhìn xuống dòng sông.
Trọng gục mặt, dịch chuyển gót đôi giày, nhễ nhại:
— Thôi thì tao đi với bọn Quốc dân Đảng vậy. Tao biết chúng nó là một
lũ đểu. Nhưng đời là phi lý. Nghệ thuật cũng là phi lý. Ngọc ơi, tao biết
mình đang lặn xuống một cái gì thấp hơn hồn người. Tao sẽ chết. Nhưng
cùng đỉnh của sự sống là cái chết đó, Ngọc ạ.
Dưới sông, nơi gầm cầu, nước vật vào chân trụ cầu đổ xuống ầm ào, như
tiếng dông bão.
Vừa lúc ấy, Ngọc vội rụt chân, đứng vụt dậy. Ngoài đường rộ lên mấy
tiếng vó ngựa và đoàng đoàng hai phát súng nổ liên tiếp. Bàn bên đám ông
Bằng nhộn nhạo, ùa ra cửa. Có tiếng người la thét trên cầu.
Ngoài đường vun vút bóng mấy người chạy qua. Tiếng chân ngựa khua
xa tít trên mặt cầu. Ngọc chen ra cửa. Ông Huyền nhăn nhó:
— Chuyện gì náo động thế không biết!
Ông Bằng đã quay vào, tìm cái mũ phớt trên mắc áo kéo ghế ngồi, suỵt
soạt mũi:
— Nghe nói có thám tử của ông châu La Văn Đờ lọt vào thị trấn.
Người chơi đàn ở nhà thờ vừa quấn khăn quàng cổ vừa ngoái lại:
— Các ông thổ ty còn nhớ người Pháp lắm. Họ chưa chịu mấy ông này
đâu!
— Thì... chính năm bốn tư, khi người Nhật lên đây, người Pháp thăng
một loạt các ông thổ ty lên hàng tri châu, châu úy mà. Tớ phải nhờ chủ cũ
chứ.
— Nghe nói, quân của ông Phơrôpông...
— Cả quân của ông Cúc... dạo đó rút sang Côn Minh, Vân Nam.
Ngọc quay vào bàn, ngồi xuống cạnh Trọng.
Đêm đã thả sương. Những bóng đèn của cái đêm điên loạn bên kia sông
đỏ ửng như cái nhọt mưng. Cái nhọt mưng. Tất cả chỉ là cái nhọt mưng