chấn động của cuộc đuổi bắt vừa rồi.
Ngọc bước chậm. Cái áo bu-dông dạ tím đứt cúc cổ, gió cứ lùa vào như
hớt xẻo da thịt. Đến giữa cầu, đang bước, anh bỗng nhảy thót lên. Chân anh
vừa giẫm phải một cái gì nhơm nhớp, nhầy nhầy. Anh quay lại, cúi xuống
kinh hoàng:
— Trọng! Máu! Máu người! Trọng!
Trọng đứng lại, lạnh lùng:
— Bọn Lộc thủ tiêu người đấy.
— Trời!
— Chúng nhét người vào bao tải, xỉa lưỡi lê đâm chết rồi quẳng xuống
sông.
“Trời ơi! Thế mà mày lại đi với chúng. Trọng ơi! Sao mày lại có thể bắt
tay với những bàn tay vấy máu? Tao! Tao không bao giờ có thể như mày
được. Dù tao có lang thang như một con chó đói, tao cũng không thể đi với
chúng. Tao kinh tởm. Thôi, từ nay giã biệt, tao không đàn địch cho chúng
nó nữa. Trời! Giẫm trên máu người, đi qua máu người mà phải câm
lặng...”.
Xúc động bừng bừng như men lửa nồng cháy trong lòng, Ngọc đi như vô
định, không để ý tới những gì đang lướt đi qua cạnh anh.
Xuống hết cái dốc xoải nhẹ, Trọng giật mạnh cánh tay Ngọc. Tiếng ồn ào
của cái khách sạn, của những hàng quà hàng bánh ở trước cửa khách sạn,
đập vào óc Ngọc. Ngọc bừng thức.
Một đám đông người đang quây tròn ở ngã ba đường. Cái vòng tròn
người xô đẩy, chen chúc, lấn lướt, rồi kéo dài ra như một cái đuôi cuốn
Ngọc và Trọng đi.
— Trọng ơi, Trọng!
— Lên đây, lên đây, Ngọc ơi!
Ngọc chen lên. Đám người đã đọng lại thành một cái vòng tròn. Cái
vòng tròn đang vỡ ra những tiếng nói cười ồn ào. Giữa vòng tròn là một
ông lão mặc độc cái quần đùi rách xã. Cái quần dài vắt ở cổ. Say, chuệnh
choạng được vài bước, ông lão lại trượt ngã, để rơi cái quần vắt ở cổ xuống
đất. Như kẻ mất trí, lồm cồm bò dậy, nhặt cái quần giơ lên, ông lão cười hơ