căng mủ. Và Ngọc cũng đang căng nhức cái cảm giác của một cơ thể có
mụn nhọt trong mình.
— Ông đến đây làm gì?
Nghe tiếng quát gằn, Ngọc ngẩng lên. Một tên hiến binh mặc quần áo
đen, gầy nhom, da xanh mét, cầm khẩu xanh-tê-chiên, đứng chạng chân
trước mặt anh. Anh còn đang lúng túng moi móc tấm thẻ căn cước ở túi áo
sơ mi trong thì Trọng đã thả cái chân phải gác trên đầu gối trái xuống,
ngẩng lên, khe khẽ và điềm tĩnh nháy nháy mắt kính:
— Mộng Huyền! Nhạc sĩ Quang Ngọc, bạn tớ!
Tên hiến binh gật đầu, như một cái máy, quay ngoắt đi. Ngoài cửa ập vào
ba bốn bóng đen nữa. Chúng vây chặt cái bàn ông Bằng.
— Một người nữa trong bọn các ông đâu rồi?
Tên hiến binh có cái tên Mộng Huyền tay chống nạnh, hất hàm hỏi. Ông
Bằng ngẩng lên, ngơ ngác:
— Chúng tôi... chỉ có từng này người.
— Còn một tên nữa.
— Dạ... tôi không rõ.
— Còn một thằng... Thằng trùm Việt Minh cộng sản ở đề-pô Phố Mới.
Nó đâu? Nó đâu?
Tên hiến binh giậm chân, thét. Bây giờ Ngọc mới giật thót mình, nhìn
quanh. Người thợ ở đề-pô Phố Mới mà anh nhác thấy quen quen vừa nãy
ngồi ở bàn nước bên đã không còn ở đây! Ngọc thở phào.
Câu chuyện hàn huyên bị tắc nghẽn. Mất hứng, Trọng và Ngọc rời quán
trà Biên Thùy. Họ đi qua cầu lặng lẽ không ai nói một câu.
Đêm lạnh. Sương giăng mờ. Mặt sông trắng nhờ nhệch. Thành cầu đen
cháy, gió lùa qua những lỗ khoan mất ốc rú u u. Mặt cầu còn rung nhẹ sau