thôn Vạn Hoa. Hai thày trò vừa chạy, vừa thở thật sâu cho không khí tươi
lành tràn đầy bầu ngực.
Nhưng Tích không được về Hà Nội học tiếp trung học. Nhà Tích nghèo.
Thày Tích là phu poóc-tê ở nhà ga, ở sân bay. Thày Tích khuân vác những
kiện hàng cho nhà mại bản Trần Cả, Hoa Lim người Tàu, cho ông tri châu
Nông Vĩnh Yêng người Nùng... Một lần, một kiện hàng rơi, cái chân giập
gãy, thày Tích từ đó nằm liệt. Quẫn trí trước cảnh tàn tật, ông lại sa vào
cảnh nghiện ngập. U Tích thì ốm yếu. Sinh nở tám đứa con trong cảnh
nghèo, bà chỉ còn đủ sức ngồi đan những tấm cót để kiếm sống bằng nan
chẻ ra từ những cây nứa ngộ Tích chặt từ rừng xa chở mang về. Ôi, những
tấm cót bà đan, nan dọc nan ngang chắp nối, chắt chiu sinh lực và bổn phận
của cả đời bà.
Tích thấm thía cảnh nghèo của mình, nhất là những buổi chiều Tích
đứng nhặt ban ở bãi tentít của các ông công chức giàu sang. Nhờ thày
Huyền giúp đỡ, Tích mới được nhận vào chân này. Nhặt ban cho họ chơi
mỗi buổi được ba hào. Nhưng bé thì nhặt ban được. Chứ lớn tồng ngồng
rồi, họ gọi: "Ê, Xuân Tóc Đỏ, nhanh lên!", thì ngượng quá. Mà Tích thì...
giời cho... cơm ăn không biết no, áo quần mỗi năm một cũn cỡn. Mới mười
bảy tuổi mà Tích đã cao lêu đêu. Càng lớn Tích càng buồn. Ở cái tỉnh lỵ
nhộn nhạo này, Tích biết sống với nghề ngỗng gì? Tích lang thang. Rồi
Tích bị bắt vào lính Quốc dân Đảng, vào Trường Quốc gia thanh niên đoàn
tham dự những chương trình huấn luyện hổ lốn nghe choang choang như
giọng quảng cáo: Thể dục tác chiến. Tập dượt trên mình ngựa. Binh địa.
Binh sử. Hành binh của lục quân, không quân. Được giảng dạy bởi các giáo
sư tốt nghiệp quốc ngoại, các chính khách có tiếng...
Nhưng đêm nay đi trên đường phố mà lòng Tích hăm hở. Cuộc đời Tích
không còn tù túng nữa. Một khoảng trời cao, có gió lộng vừa hiện ra. Cái
sức trai mới lớn của Tích sẽ được dùng vào việc có ích, cho một mục đích
cao cả. Ít ra thì công việc đó cũng hào hứng như việc Tích lái goòng cho
các chiến sĩ Vệ quốc, cho các anh tự vệ lọt vào tỉnh lỵ hôm qua và hôm
nay. Họ đã vào được thị trấn rồi.