y tá thuốc thang cho thầy, nhưng khỏe dậy, thầy đã trốn đi cùng cô y tá.
Tích áp tờ truyền đơn vào tường ngõ, đưa tay xoa nhè nhẹ. Rồi lặng lẽ,
bước ra đường.
Phía trước có tiếng giày đinh lê trên bờ hè. Có tiếng một người nghêu
ngao hát. Một tên vai đeo huy hiệu chiếc đầu lâu khặc khừ bước, giọng
nhểu nhả:
— Ôi, ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu. Tao mệt mỏi quá rồi, chúng
mày ơi.
— Câm mõm đi! Muốt ăn đạn của đảng trưởng hay muốn lưu đày biệt xứ
như xừ Lộc.
— Tao đ. sợ. Tao đã vào "Anh dũng phái". Tao tiêu hủy nốt đời tao.
Tích cắm cúi bước. Bó truyền đơn đã dán hết. Sương dày đặc bịt kín mặt.
Cách năm sáu bước chân cũng không nhìn thấy bóng người.
— Đứng lại!
— Tôi, Nguyễn Bái Tích, đơn vị hậu cần, lãnh công vụ lệnh đi đón ông
Lộc, ông Trọng ở Pa Kha về...
Tích đứng im. Từ cái bót gác xồ ra hai tên hiến binh. Một tên gầy nhằng,
hóp hẹp, hốc mắt như lỗ đáo. Một tên béo núc ních.
— Ông Lộc, ông Trọng về rồi, đang hội kiến với đảng trưởng. Anh đi
đón không gặp, hả?
Tên béo xem chứng minh thư của Tích rồi cho Tích vào.
Nhà máy đèn bị phá, căn gác hai nhà Vũ Khanh phải thắp măng-sông.
Ánh đèn măng-sông xanh lét chốc chốc lại chuyển màu đỏ lòm dễ sợ. Im
lặng, Trọng đứng khoanh tay, lưng tựa tường, áo quần lấm láp, nhìn Lộc
ngồi trong ghế bành, tóc rũ, hai tay bóp thái dương. Màu sắc gian phòng
sao giống cái đêm ở hang trên làng H'Mông Can Chư Sủ thế, nếu như
không có Vũ Khanh chắp tay sau lưng đang thong thả, bước những bước
rất êm trên mặt sàn.
— Tôi đã phán đoán, tôi đã cứu xét...
Cuối cùng, trong không khí lặng lẽ như chốn nhà mồ, Vũ Khanh lẩm
bẩm một cách gượng gạo và lạc lõng.
Phải rồi! Khanh còn đâu cái hào hùng, dù là vẻ ngoài, như buổi nào.