canh gác bản làng, nhưng chỉnh tề mũ lưỡi trai xanh, áo quần xanh, băng
đạn vải bao bố quàng quanh vai đồng loạt, thảy đều mới may xong.
Đàn ngựa ấy đi khỏi thì ào tới như một con lốc bất thần ba con ngựa
hồng, mun, nâu. Bụi mù lên. Nhưng vẫn nom rõ mặt ba người trai trẻ ở Can
Chư Sủ, đó là Pao, Lừ, anh trai Pao và Chin, người chỉ huy đội chống cướp
của làng. Pao cưỡi con ngựa hồng, đệm một tấm chăn chàm cũ, như bay
qua cái cổng chào, giơ tay hét to:
— Quân của Pa Kha tới kia rồi!
Cánh quân Pa Kha đã tới. Năm chục người, cả quân kỵ lẫn quân bộ. Lính
kỵ nhún nhảy trên mình ngựa chạy nước đường trường, vừa để dưỡng sức,
vừa để cho lính bộ đi theo cho kịp, trông thật là lỉnh kỉnh và hỗn độn. Ngựa
thì yên cương đủ kiểu. Mà con nào cũng kềnh càng hai bên sườn những mã
làn chất đầy rau cải, bu gà, bu vịt. Lính bộ, lẫn lộn người H'Mông áo lanh
nhuộm chàm khuy vải, người Tày áo đen, hai túi dưới, mặt ai nấy đỏ hăm
hăm, nhưng ngơ ngơ ngác ngác như rắn không đầu. Hoàng Văn Tường
không thấy đến. Cũng chẳng thấy ai ra mặt thủ lĩnh đám lính lôi thôi lếch
thếch nọ. Họ đến làng Nhuần thì cứ tự động tản ra, và chỉ thoáng cái đã
nhôn nhao mua bán, đổi chác, rồi ngả ngay ra bên đường, hạ nạng thồ, mở
cơm ăn.
Buổi trưa vừa đứng bóng thì cánh quân của châu úy Vàng Đình Tráng
tới. Ông Tráng to bè, vóc dáng nông dân, nhưng mặc cái áo vàng như áo
thày cúng, trên đầu có lọng xanh che. Trước ông là một người cưỡi ngựa
mắm môi mắm lợi giương một lá cờ vàng viền răng cưa đen. Trông xa ông
Tráng giống như một vị thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa nông dân. Nhưng
đi sau ông lại là hai mươi nhăm con ngựa nòi Mông Cổ cao lớn, hai mươi
lính toàn mũ Nhật chum chủm, quần Nhật lưng lửng, đũng quần, đầu gối
độn vải dày cộm.
Nối ngay sau đàn ngựa ấy là quân của lý trưởng Hản Sảo Long. Tiếp đó,
dòng dòng, mù mù, ầm ầm, à à, không còn phân biệt được quân của châu
nào, bản nào nữa. Cho tới một lúc, những người đứng đón nhao cả dậy:
— Đông quá kia! Úi chà đông quá!
— Ai mà trông oai thế kia!