— Anh đi chỗ khác đi. Cho tôi khóc. Chin ơi! Chin không được lấy Seo
Cả nữa rồi. Miệng Chin không biết ăn. Chân Chin không biết đi. Chin
không biết hát nữa rồi, Chin ơi...
Văng vẳng bên tai Ngọc tiếng khóc của Pao, giọng hát của Chin.
Ngọc bước xuống bậc thềm. “Hôm qua, Tôyama, Chin còn hát cho mình
nghe. Tôyama không bao giờ trở về đất nước của anh nữa. Cuộc chiến đấu
này thiêng liêng, trọng đại quá...”.
— Trọng!
Từ trên bậc thềm, Ngọc lao thẳng xuống đường. Đúng Trọng rồi. Nhấp
nhô những cái đầu tóc bù rậm. Vây quanh cái cột điện những tiếng gầm
gào, thét la, rủa sả. Ngọc len vào đám đông. Thật Trọng rồi. Cái áo ka ki có
cầu vai bê bết màu vẽ. Trời! Trọng bị trói vào cái cột điện. Dây trói quấn
vòng từ chân lên tới cổ. Sao đến nông nỗi này, Trọng ơi!
Ngọc lách ra. Ta phải đến anh Chính ngay, xin anh ấy cứu Trọng. Trọng
nó là một nghệ sĩ tài ba. Nó lầm lạc. Nhưng nó chưa phải là bọn Khanh,
Lộc. Trọng ơi! Rồi mày sẽ thấy mày đã lạc đường như thế nào. Mày sẽ
khóc, sẽ vật vã như tao. Nhưng rồi mày sẽ lại vui vẻ bắt tay vào công việc.
Việt Minh có những người cán bộ tuyệt vời. Không, ông Tâm đội trưởng
quăng đàn của tao, chỉ là cá biệt. Nghệ thuật có thể đi với cách mạng được.
Công nông có người chưa hiểu biết về nghệ thuật thì ta giúp họ. Ngọc đâm
bổ vào hành lang: “Anh Chính ơi!”.
Xung quanh Trọng loang loáng những gương mặt bóng nhẫy mồ hôi.
Hình như mỗi lúc lại nở thêm ra một gương mặt nữa.
Bỗng đám đông vây quanh Trọng quay cả lại. Một người cao gầy, khắc
khổ, đội mũ cát két, đeo khẩu các bin huơ tay: