Quân quản đã quy định giờ thiết quân luật từ hai mươi mốt giờ đêm tới sáu
giờ sáng hôm sau.
Tâm bước vào chiếc cầu sắt khi đêm đã khuya. Sương từ gầm cầu, mặt
sông đang thốc lên mù mịt qua các thanh sắt gióng cầu đen thui thủi. Tâm
rùng mình. Chiếc cầu! Chiếc cầu chết chóc, đầy máu me. Chứng tích của
tội ác. Tâm đã bị giặc nhét vào bao tải, xỉa lưỡi lê và quăng từ mặt cầu
xuống dòng sông ở chỗ này. Ở chỗ này, Tâm đã chết rồi. Giờ là cuộc đời
thứ hai của Tâm. Ý nghĩ làm máu trong người như rực lên. Tâm bước
chuệnh choạng như say. Rồi đứng lại.
Giữa cầu có tiếng giày đinh xiết, tiếng sáo huýt và tiếng hát nghe rất
quen:
Ta mơ trần gian, lúc san bằng hết biên thùy.
Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương ở trên thế giới.
Tâm lại kéo vạt áo, cắm cúi bước: “Hừ, mơ mộng vớ vẩn. Phải vùng lên
hỡi các nô lệ ở thế gian! Phải vùng dậy. Ta sẽ chết một lần thứ hai nữa, chết
không tiếc, cho cuộc đấu tranh này. Như thế, như thế là hạnh phúc hơn hẳn
người khác rồi”.
Chiếc cầu dài vút trong sương bồng bềnh giống như con thuyền. Tâm
chợt dừng lại. Trong đêm dậy lên một tiếng hỏi gắt lạnh:
— Ai? Khẩu lệnh?
— Tôi! Tâm đây! Khẩu lệnh: Giải phóng! — Tâm đáp khe khẽ, và bước
tới. Hai bóng người từ cái bót gác chui ra, súng trường khoác vai.
— Chào đồng chí Tâm.
— Chào các đồng chí. Ai vừa đi qua đây đấy!
— Báo cáo, anh Nguyễn Đắc, chủ tịch ủy ban Quân quản đi tuần tra ạ.
Trong lô cốt, có tiếng điếu cày ruýt một hơi dài vút. Ba bốn bóng tự vệ
nữa từ đó đang chui ra. Quanh Tâm là một vòng người ấm áp.
— Có gì mới không, các đồng chí?
— Dạ, lúc nãy bắt được một mụ buôn bạc trắng ạ. Mụ này xưng là
Hoàng Uyên, nhận là người nhà của Hoàng Văn Tường.