chủ tịch thì rõ ràng rồi. Chính tôi, tôi cũng giơ cả hai tay bầu ngài đặc phái
viên. Ngặt nỗi...
— Ngặt nỗi gì vậy?
— Dạ, các ngài cho phép thì tôi xin nói thẳng.
— Thì ông nói đi.
— Dạ, thưa đây là chính quyền tỉnh, chính quyền của dân ở địa phương.
— Phải đấy!
— Ý kiến ông Tường sáng suốt lắm.
— Người Lào Cai phải nắm quyền ở Lào Cai chứ ạ. Vả lại chúng tôi đã
có công lớn trong việc giải phóng tỉnh nhà đấy chứ.
Tâm quay trái. Hình như phán Thông vừa mớm cho Tường cái quan
điểm tự trị của hắn. La Văn Đờ vừa gằn một câu ngắn, ngả người, mặt thì
lì. Tâm giơ tay đứng dậy, cố giữ giọng điềm tĩnh, nén một tiếng ho:
— Thưa các ông, chúng ta nên nói thế này thì đúng hơn: quần chúng lao
động các dân tộc đã có công giải phóng Lào Cai.
— Hà hà...
— Ông Tâm nói đúng quá!
La Văn Đờ gườm gườm con mắt một mí, tìm người vừa nói câu nọ.
— Xin mời ông Nông Vĩnh Yêng! — Chính cất tiếng. Anh thấy cái nhìn
của Tâm vừa từ chỗ Đờ chuyển sang cái đi văng có ba anh em ông thổ ty
họ Nông.
Yêng đứng dậy, cái miệng như còn đang cười hề hề. Người vừa qua đã
cản ngăn mọi hoạt động của ủy ban Quân quản, tỉnh như không, nghiêng
đầu về phía Đắc, rất khiêm tốn nhã nhặn:
— Trước khi nói chuyện mới thì phải xin lỗi tiên sinh Nguyễn Đắc đã
nhé. Hề hề... Bộ đội vào châu tôi, lính chặn lại, là vì họ bảo: phải có giấy
của tôi. Họ bảo: châu Mường Cang to nhất, đông dân nhất, góp nhiều lính
nhất, thanh thế nhất...
Yêng diễu võ dương oai rồi. Yêng không che giấu, không tỏ vẻ bất đắc
dĩ phải bước vào vòng quan lộ như ông vẫn thường nói. Ông nói toang
toang, ông say sưa đòi quyền.