Tối mịt, Ngọc mới dò dẫm trở về thôn Vạn Hoa. Đường thôn mát lịm,
gió sông rì rầm trong các chùm lá cam đang kết trái quen thuộc, yên bình
như chưa hề xảy ra chuyện bất trắc gì! Và khi rẽ vào cái ngõ nhà bà cụ
Dung thì Ngọc đã rưng rưng nước mắt. Đây là tổ ấm yên tĩnh, vỗ về, ấp ủ
anh. Đây là nơi anh có thể tách mình ra khỏi cuộc sống bấp bênh vì đói
khát, và hiểm nguy.
Trong đêm, khu vườn đang tỏa thơm. Mùi hoa lẫn hơi sương càng ngan
ngát, tươi lành.
Nhưng đang tan hòa vào cảnh vật trong trạng thái yên lành thốt nhiên,
trong một phản ứng gần như vô ý thức, Ngọc nhao tới một gốc nhãn, nép
mình, nín lặng. Phía trước mặt anh, vừa văng ra một vệt đèn pin và một
tiếng quát khẽ:
— Cô Dung! Cô có nghe lời tôi không thì bảo?
Ngẩng lên, anh nhìn thấy Dung, trong quầng sáng phản quang của ánh
đèn, đang rũ rượi sau một gốc cam lớn, cái gốc cam bà cụ mới xới nhẹ một
vòng rộng theo tán lá, để bón thúc, Dung mặc áo cánh gụ. Tóc búi gọn phía
sau. Vầng trán nhỏ lòa xòa mấy sợi tóc ngắn. Cặp mắt đen láy thường khi
lúc nào cũng như đang cười mọng lên như sắp bật khóc vì kinh hoàng.
— Hừ, bà cụ cô đã nuôi giấu bọn Việt Minh. Nấu cơm tháng cho bọn thợ
ở đề-pô ăn! Hừ, đừng có hòng che mắt tôi.
Phát ra tiếng nói hùng hổ hăm dọa ấy là một bóng đen thâm thấp đứng
chắn phía trước mặt Ngọc. Rồi từ từ tiến lại gần gốc cam, nơi Dung đứng,
bóng nọ hạ giọng, tiếp:
— Em Dung, em đừng để anh phải dài dòng nữa. Anh có thể dùng vũ lực
để cướp đoạt em, bó buộc em. Nhưng anh không phải hạng người ấy. Vả
lại, đó chẳng phải là tình yêu cao cả và mê đắm của anh. Em thấu cho lòng
anh. Em Dung, anh đây, một tỉnh đảng trưởng, chẳng lẽ lại không xứng
đáng với em hay sao!
— Ông Lộc, tôi đã nói rồi...
— Anh sẽ quỳ xuống chân em.
— Ông Lộc, ông không được bắt mẹ tôi...