Ninh. Thái Bình. Nam Định, Thanh Hóa. Đói và lụt khắp nơi. Việt Minh
nói đánh Tây, đuổi Nhật. Nhưng họ lại thò tay ký Hiệp ước sơ bộ. Như thế
là họ cõng rắn cắn gà nhà. Nay họ lại còn đem quân đánh lên đây. Rõ thật
họ muốn gây cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt rồi còn gì. Thành ra,
lúc này đây, phàm là kẻ có tí tri thức thì không thể làm ngơ trước cảnh điêu
linh của đất nước. Thưa quý vị. Đã có câu: Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn.
Lại có câu, Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai. Cái lẽ tùy thời lớn vậy thay!! Tôi
xin đơn cử với quý vị một ví dụ. Họa sĩ Đoàn Trọng, một con người rất
thức thời như thế. Họa sĩ là một tài năng lớn về hội họa của nước Việt.
Nhưng lúc này họa sĩ không thể an lòng ở lại trong tháp ngà nghệ thuật...
Ông Bằng ngúc ngắc cái cổ nổi gân nhằng nhằng. Mặt đờ đẫn, ông giáo
Huyền chuyển cái nhìn ngơ ngác, khó hiểu ra ngoài cửa, nơi Trọng đứng.
Từ lúc bắt đầu cuộc họp, Trọng vẫn đứng tựa cột cạnh tên hiến binh đeo
kính đen. Chợt thấy Lộc nhắc đến mình và khi thấy mấy chục con mắt từ
trong phòng hất ra nhìn mình, anh liền từ từ chuyển ra cái cửa ngách.
— Vì vậy — Lộc tiếp — Chúng ta phải cố kết lại. Tiện đây, tôi nói để
quý vị rõ: ngày hôm nay, các chiến binh của ta, từ đây đã lên đường đi tiếp
viện cho mặt trận Phong Thổ, chặn quân thực dân Pháp. Huyết chiến đang
xảy ra ở Phong Thổ, miền Tây của tỉnh ta.
Trọng bước ra cửa. Cái giọng thuyết pháp của Lộc mách qué nghe chán
tai quá. Ở cửa, Mộng Huyền đang đứng, tay tì trên bao súng lục trễ bên
hông.
— Anh Trọng, anh biết tin gì chưa?
— Huyết chiến đang xảy ra ở Phong Thổ... — Trọng nhếch mép:
— Không! Tin mới kia... Vũ Khanh sắp lên...
— Sao?
— Anh Trọng! — Mộng Huyền kéo tay áo Trọng — Như thế có phải là
ta đang đại bại không? Việt Minh lại đang đánh lên. Tại sao họ lại như thế?
Họ đã đồng ý với ta, hòa hợp trong tỉnh thành Việt Nam kia mà?
Trọng nhìn tên sĩ quan gầy gò xanh xao, cắn môi, quay đi. “Tinh thành
Việt Nam! Vậy tại sao chúng mày lại đi lùng bắt Việt Minh? Chính mày!
Mày ngu lắm. Đang yên ấm trong gia đình giàu có lại đâm đầu vào Trường