đông đúc ấy — hai bố mẹ già, một bầy con mười một đứa, không một
thước đất — sống vất vưởng cả khi ông — người con cả — thi đậu vào
chân thư kí sở dây thép tỉnh thượng du Yên Bái. Đời ông Bằng không hơn
đời cha ông. Có chí tiến thủ, lại là người có tài, ông thăng lên được chức
chủ sự thì vừa lúc xảy ra sự biến Yên Bái. Quẩn quanh thế nào mà ông lại
bị chính quyền thực dân khép vào tội làm chậm trễ việc chuyển tin tức cuộc
khởi nghĩa về Hà Nội, gây khó khăn cho việc điều quân đối phó của quân
đội Pháp, nên bị đổi lên tỉnh Lào Cai xa xôi này. Thuộc lớp công chức cao
cấp ở tỉnh này đấy, nhưng ông sống cũng phải tằn tiện lắm mới đủ tiền nuôi
vợ, một đàn con năm đứa và giúp mẹ già, em nhỏ nơi quê hương. Cả đến
môn tennit thời thượng cũng có dám chơi đâu. Mười tám đồng, một phần
ba lương tháng, một cái vợt, lại còn tiền bia, nước chanh, tiền thuê người
nhặt ban, đào đâu ra tiền mà chơi! Ông sống tằn tiện, chắt bóp, nhưng thẳng
thắn, nghĩa hiệp, thấy sự ngang trái ngược ngạo là không có chịu. Người ta
còn nhắc mãi chuyện ông xô xát với viên chánh văn phòng tòa sứ. Chiều
đó, còn năm phút nữa mới tới giờ làm việc, dạo đó chưa có chế độ trực,
viên chánh văn phòng người Pháp gọi điện, ông không trả lời. Y bực tức, đi
sang sở, chửi rủa, mắng mỏ ông. Ông cự lại. Đôi bên đập bàn đập ghế, cãi
nhau. Sự việc qua, ông phát đơn kiện viên chánh văn phòng nọ lên tòa
thượng thẩm. Ông không thắng kiện. Nhưng anh em công chức mến phục
ông. Chao ôi! Lẽ phải bị vùi dập! Nay ông bị khiển trách, mai họ dọa dẫm
ông. Đời là thế ư? Làm ở Sở Dây thép, ông đã chứng kiến bao nhiêu việc
bất công, vô lý trớ trêu. Những bức điện tín, những tờ ngân phiếu của
những kẻ cầm quyền, của các chủ mỏ, chủ Sở tới tấp gửi đi, đánh đi làm tối
tăm mặt mũi người nhân viên ngành bưu điện, nhưng lại làm sáng bừng
trong tâm trí ông sự hiểu biết ngày càng sâu xa; đất nước bị đô hộ, mọi
quyền lợi đều rơi vào tay bọn nước ngoài, và ông, ông thật sự chỉ là một kẻ
làm thuê cho chúng mà thôi. Kẻ có học càng biết lắm mối buồn càng nặng.
Cái mầm tuyệt vọng vả chăng đã nằm trong huyết thống gia đình ông rồi?
Giờ đây, sau khi nghe Lộc khuyến dụ, ông không lao lung sợ hãi, nhưng
lại thấy thấm thía một nỗi buồn thương thê thiết. Bao giờ, bao giờ mới tới
lúc khổ tận cam lai, mới tới lúc những bất công bị san bằng, người chính