— Anh Huyền! Anh làm tôi quá đỗi sung sướng. Anh có biết vì sao
không?
— Thưa...
— Vì chính mối quan tâm của anh đó. Người xưa nói: nước mất mà
không biết là bất tri; biết mà không biết lo liệu là bất trung; lo liệu mà
không dám liều là bất dũng.
— Đảng trưởng quá khen...
— Không, anh thật là một nhà giáo chân chính, anh Huyền ạ. Người xưa
có câu tiến vi quan, thoái vi sư. Gặp thời loạn, kẻ sĩ không thể thi thố tài
đức để cứu dân được thì lui về dạy học. Mạnh Tử nói: Người quân tử có ba
niềm vui, mà một trong ba niềm vui là có được các anh tài trong thiên hạ để
dạy dỗ. Tôi rất yêu nghề nhà giáo, anh Huyền ạ!
Đặt tách cà phê xuống bàn, lông mày nhíu lại, giọng Khanh càng trở nên
thiết tha:
— Anh Huyền! Chúng ta phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Hiện
tình đất nước là một tấm kịch bi thảm. Trước mắt chúng ta là họa xâm lăng.
Bổn phận của chúng ta là kháng Pháp đến cùng. Anh biết rồi đấy. Đàm
phán Fông-ten-nơ-blô thất bại. Đắc-giăng-liơ lập nước Tây Kỳ, triệu tập
Hội nghị liên bang tại Đà Lạt. Hồ Chí Minh ở nán lại bên Pháp rồi ký tạm
ước 14 tháng 9 với Mu-tê, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại. Tôi không tán
thành. Đến bàn hội nghị lúc này là thỏa hiệp. Thỏa hiệp là phản bội dân tộc.
Anh Huyền, anh thấy ý kiến của tôi thế nào?
Ngây ngô, mặt đờ ra như bị thôi miên, Huyền lập bập:
— Dạ, tôi thấy...
— Anh Huyền! — Hơi nhổm dậy, Khanh như cướp lời ông giáo — Tôi
mới về đây, có lẽ anh em chưa hiểu tôi. Cũng chưa hiểu đảng tôi. Tôi làm
chính trị không phải để kiếm tiền. Cần gì tôi phải bắt cóc, tống tiền, buôn
lậu á phiện, in giấy bạc giả. Tôi làm chính trị vì hạnh phúc của dân tộc.
Anh Huyền, chúng ta tất cả đều phải hành động vì công ích quốc gia.
Ôi! Giọng Vũ Khanh vừa đanh thép là thế, bỗng chùng xuống ngọt ngào
quá: “Anh Huyền ơi! — Tôi nghe nói có lần anh đề đạt nguyện vọng được
về xuôi... Nhưng mà...”.