Mường Cang. Chúng tôi phải cử bài đảng ca. Anh biết bài ca ấy rồi đấy.
Việt Nam minh châu trời đông...
Ngọc rụt hai cổ tay:
— Thưa ông, sức tôi...
— Chỉ mấy phút thôi.
— Thưa ông, không thể được! Thưa ông...
Trời! Mất bao thì giờ mơn trớn mà kết quả là con số không thế này.
Khanh đứng phắt dậy, không đổi sắc mặt, giọng lạnh sắc:
— Thôi được, tôi không ép. Nhưng mời anh lại dự cuộc họp. Anh sẽ thấy
hàng ngàn con người cố kết lại tranh đấu cho lý tưởng quốc gia của chúng
tôi, chống lại điều hung hiểm của thời đại này là chủ nghĩa Cộng sản. Nghệ
thuật không thể sống chung với chủ nghĩa Cộng sản được. Anh nhớ cho
điều đó. Thôi, tạm biệt anh.
Ngọc sửa lại trang phục: cái bu dông ka ki xanh, cái quần dạ tím, và cố
bước cho ngay ngắn, đàng hoàng; lòng tự trọng, khiến anh không muốn để
cho bất cứ ai biết rằng mình là một người vừa bị hành hạ.
Nắng cuối thu vàng mỡ màng quyến luyến trên những ngọn dạ hương.
Chớm rét, chim đã về, rộn rã trên những cành cao cổ thụ. Đàn nhạc sáo líu
lo trên cây gạo trút lá thân mình trắng phếch nơi bờ sông. Dòng sông cạn
đổ theo chiều dốc, âm vang tiếng sóng vỗ rạn vỡ hai bờ đá.
Đường phố tràn nắng, thứ nắng nhẹ mỏng như nắng chiêm bao. Trên
những sân thượng, vẩn vơ những chú bướm, những con chuồn chuồn lượn
lờ, nhớm chân đậu trên những dây phơi chất chồng chăn đệm, áo quần sặc
sỡ. Lặng lẽ, một giò phong lan tuôn cái vòi hoa trước cửa Sở Dây thép, vẻ
thanh nhàn, đơn chiếc.