Lang bạt kỳ hồ mãi, cuối cùng bà trôi dạt tới phương trời này. Cái xốc vác
của người ven thành, nỗi căm uất của kẻ bị giày xéo cũng hòa trộn trong bà.
Bà sống tự lập, xoay xỏa đủ nghề. Đánh gianh thuê, gánh nước tháng, làm
vú em, rồi bán sủi dìn, bán lèng phân
. Sống qua hết các châu huyện. Quen
thuộc nhiều, thổ ty nào vợ cả vợ lẽ, gia sản, ruộng nương bao nhiêu, biết
hết. Đáo để, đanh đá, dạn dày, cứng cỏi loại có nanh có mỏ, đố ai bắt nạt,
ăn hiếp được. Nhưng lại thấu lý, thấu tình, giàu lòng thương kẻ hoạn nạn,
nghèo khó. Kết bạn với nhau khi đã già, hai ông bà chẳng có được một mụn
con nào. Bà lão, có bao nhiêu tình thương thì dồn cho ông lão cả. Nhưng
những yêu thương trìu mến thì chẳng mấy khi biết nói thành lời mà những
điều chê bai, ca cẩm về ông lão thì lại quá dồi dào chữ nghĩa. Bà chê ông lù
đù, ngốc nghếch, thật thà đến vụng dại. “Ôi dào! Cái thứ đàn ông đàn ang
gì mà đần đến thế. Có miệng mà câm như hến, sức dài vai rộng mà để nó
trói, nó đánh đòn săng tan cho có nhục không? A! Trói thì giãy, giãy không
được thì chửi, cùng kỳ lý thì ra tòa áo đỏ áo đen chứ. Bà ấy à, bà mà thế thì
bà...". Bà nhiếc ông như vậy. Vì chính bà đã nhao ra đường chắn xe ô tô
của Vũ Khanh. “Ối ông đảng trưởng ơi là ông đảng trưởng ơi! Con mèo
đen nhà tôi người ta bảo là con mèo gở, người ta đánh chết nó". "A, mèo
không gở tại sao lại ăn than! Đánh chết là phúc đấy”. Ối giời ơi! Phải mục
sở thị chứ. Rán mỡ, mỡ nó mới dào xuống than. Con mèo ăn than vì than
có mỡ chứ, nó có phải con mèo gở đâu...”. Bà la lối om sòm. Bà đòi ông
lão về. Ông lão được về, bà bỏ cả mấy ngày công, thuốc thang tẩm bổ cho
ông lão. Nhúc nhắc chân tay được, ông lão định đeo cái hòm phá xa đi thì
bà giằng lấy: “Lại muốn nó cho vào xà lim hả! Lù đà lù đù thế thì từ nay ở
nhà mà uống rượu. Sợ gái già này không mua nổi cho chai lớn chai bé à!”.
— Bác Bằng à — Ông lão Lìu sau một hồi im lặng, chợt ngẩng lên — cứ
nghe nói Việt Nam hoàn toàn độc lập là bụng em nó no kếnh lên. Bao giờ
thế, em thế nào cũng nhờ bác đăng nhật trình tìm quê rồi về, bác ạ.
Ông Bằng gật gù:
— Yên hàn ra thì tôi cũng về...
— Nghe đâu, ông giáo Huyền sau hôm cướp dân đểu bắt lính, bỏ việc
xin xuôi, không được ông Khanh bằng lòng, về nhà ốm liệt, không chịu đi