lớp người Nhật mới, ít liên quan tới quá khứ, nhất là cái quá khứ nặng nề
người Nhật đã mang tới xứ sở này trước đây.
Tôi cũng thử nói với ông về một vài tác giả Nhật đã được đọc khá nhiều
ở đây như Suzuki, Rynosuke, Mishima và nhất là Kawabata với tiểu thuyết
"Ngàn Cánh Hạc". Tôi cũng nói, truyện ngắn của Kawabata tôi đọc cảm
thấy thích thú nhất là truyện "Thủy Nguyệt".
Người đàn ông có vẻ hơi ngạc nhiên.
Ông nhìn tôi bảo:
- Cô đọc nhiều về văn chương Nhật bản lắm sao?
Tôi nói:
- Không đâu. Chúng tôi cũng đọc sách Nhật cũng qua ngôn ngữ thứ ba
như ông thôi. Sở dĩ các tác giả tôi vừa nói được biết nhiều hơn vì chúng tôi
có bản dịch một số tác phẩm của họ sang Việt ngữ.
Ông hỏi tôi:
- Cô chú ý đến điều gì trong truyện "Thủy Nguyệt"?
- Sự chung thủy của người đàn bà. Mặt trái và mặt phải của tình yêu và
dục vọng.
Ông ta nói:
- Tôi không ngờ văn chương Nhật Bản được đọc đến như vậy ở đây.
Măt ông ta sáng rỡ khác hẳn cả những người đồng hương cùng làm việc
với ông.
Tới đây, một người thư ký, theo lời dặn của ông, mang vào tận văn
phòng của ông, trao cho tôi những giấy tờ của tôi.
Ông ta đứng dậy chào tôi và bảo:
- Tôi rất hân hạnh được gặp cô hôm nay.
Tôi ngỏ lời cảm ơn những cảm tình ông đã dành cho tôi trong cuộc tiếp
xúc này.
Ông ta nói:
Nước Nhật chúng tôi rất vui mừng được tiếp nhận những sinh viên như
cô.