Chúng tôi cũng được hướng dẫn đi xem hồ Tĩnh Tâm.
Huế đã yên tĩnh, ở đây, sự yên tĩnh còn tăng bội phần.
Có một chiếc cầu nhỏ bắc ra một thủy đình. Hồ vẫn đươc thả sen. Sen
lẫn với bèo tấm. "Lá sen tàn tạ trong đầm". Đứng trên cầu, tôi đã nhớ tới
câu thơ đó của Tản Đà. Mọi vật, những ngọn tre, những lá cỏ, cây cối
quanh hồ, toát ra một vẻ gì đó như đã quên thời gian, phơ phất những cái
ngọn ẻo lả, in bóng xuống mặt nước tù hãm, lặng lẽ, còn sống đó, nhưng
linh hồn đã bay theo muôn năm trước, hiện thân còn hay không còn nữa
cũng không đáng kể chi.
Người bạn đi cùng cho chúng tôi hay rằng, hạt sen trong hồ này, nấu chè
là một món tuyệt phẩm. Sen không cần ninh cũng bở, nhưng phải nấu bằng
đường phèn. Cái ngọt mát của đường phèn thấm vào các hạt sen nóng, khẽ
nhai thôi, hạt sen đã tơi ra, theo nước miếng trôi vào cổ họng, lúc ấy mới
thấy cái quý của những hạt sen trồng trong hồ này, gần như nó còn giữ
nguyên vẹn mùi thơm của hoa, dù chỉ còn là những cái hạt đã khô. Người
bạn còn nói nhỏ thêm với tôi, cứ mỗi năm, vài hạt sen lại biến thành răng
của các cô gái Huế. Tôi tiếc đã không được ra tắm ở bãi biển Tiên Sa.
Người bạn ưa khôi hài trong chuyến đó bảo rằng, tắm ở biển Tiên Sa lên,
nhan sắc của mỗi người sẽ tăng năm phần trăm.
Tôi còn nhớ lại một chuyện nữa, của anh ta, khi ngồi uống nước trên đèo
Hải Vân,
Anh ta kể, trong số danh sĩ của nước ta xưa, có người đi với người vợ
trẻ, khi qua đỉnh Hải Vân, phong cảnh hữu tình, trời đất vắng vẻ, động lòng
mây mưa. Gió máy làm sao đó, vị quan đã chết trong cái tư thế tuyệt vời
nhất của nhân loại, trên một phiến đá giữa đám cỏ hoa.
Cả bọn đã cười khi nghe anh nói vậy.
Anh hỏi riêng tôi, có tin chuyện đó không?
Tôi thẳng thắn nói rằng, tôi có thể tin được lắm, và rằng, trừ những nữ
tu, ai chẳng muốn có dịp đi qua đèo như thế một lần.
Người bạn hỏi:
- Chị có biết cái người vợ trẻ đó đi từ đâu tới không