- Mười bẩy.
- Mười bẩy thì con gái bẻ gẫy sừng trâu rồi đấy. Còn anh làm được cái gì
rồi?
- Biết phố Hàng Đường ở chỗ nào. Biết con gái Hàng Đường chua ngoa
thế nào.
- Tôi chưa có răng, chưa ăn một trái sấu nào, làm sao chua ngoa được.
Chúng tôi thường đùa bỡn với nhau về chuyện Hà Nội như vậy.
Tôi biết anh mắc "chứng Hà Nội", một phần tâm hồn anh do cái thành
phố đó tạo nên, anh không thể khác. Nghĩ cho cùng, chẳng được nghe gió
heo may, chẳng được hong nắng hanh vàng, chẳng được đi dưới mưa bụi,
chẳng được run trong cái lạnh mùa đông, vào lớp học phải hà hơi vào hai
bàn tay, xoa lại với nhau, mới cầm bút viết được bài, như vẫn nghe những
người Hà Nội kể lại, cũng là một điều đáng tiếc chứ.
Một mai, có lẽ tôi cũng sẽ nhớ Sài Gòn như vậy. Nhớ nước mía Viễn
Đông, nhớ kem Mai Hương, nhớ bún ốc Casino. Nhớ những khu phố mưa
bên này đường bên kia vẫn nắng. Nhớ Sài Gòn Mậu Thân, Sài Gòn pháo
kích- Nhớ đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong của Pháp nay biến thành nơi ghi
ơn các nuớc bạn đã viện trợ cho Việt Nam chống cộng sản. Nhớ Nhà Thờ
Đức Bà, từ trường tôi đi ra nhìn thấy phía sau lưng, xây bằng gạch đỏ, vào
mùa mưa, những viên gạch thấm nước đỏ thêm một chút. Nhớ những hồi
chuông lễ làm rung buổi chiều, những buổi chiều khô ráo và ẩm ướt. Nhớ
con đường Tự Do nơi người ta có thể nhìn thấy những kiểu y phục mới
nhất trên khắp thế giới, mỗi sáng Chúa nhật. Nhớ hành lang Eden chỗ hẹn
hò của các cặp tình nhân, tôi chưa từng đuợc hẹn bao giờ nên không biết
mình sẽ có đến đúng giờ, sẽ có phải đi lại chờ đợi, đứng ngó vào các tủ
kính bầy các đồ mỹ phẩm, nữ trang, đồng hồ- Hễ có dịp đi qua một tiệm
bán đồng hồ, tôi lại nhớ tới những câu thơ đã đọc được trong một cuốn sách
nào đó:
Những chiếc đồng hồ
trong tiệm bán đồng hồ này
chỉ giờ khác nhau,