- Bác cho tôi vào Chợ Lớn.
Tôi ở Sài Gòn gần hai chục năm nay mà gần như chưa biết Chợ Lớn. Tôi
có việc gì để vào đó? Nhưng hôm nay tôi muốn nhìn thấy rõ nó, nhìn rõ cái
thế giới Tầu trên nước ta này.
Sài Gòn mưa lụt như thế, nhưng nửa quãng đường vào Chợ Lớn vẫn
hoàn toàn khô ráo.
Hà Nội có phố nào đẹp như thế này chăng?
Mọi cửa hàng đều sáng choang, hàng hóa chật ních.
Chín phần mười người qua lại trên các hè phố đều là Tầu. Họ buôn bán,
sống, có vẻ thoải mái hơn người Việt Nam. Làm một người ngoại quốc trên
đất nước này, lúc này, có lẽ sướng thật. Chiến tranh đã có người lo, họ chỉ
việc buôn bán, lấy lời, đóng thuế.
Người tài xế nhìn tôi trong tấm gương, chừng bác ta chờ xem tôi sẽ bảo
đi tới chỗ nào.
Tôi nói:
- Bác cứ chạy loanh quanh qua vài phố rồi cho tôi trở lại chỗ Tòa Đô
Chánh.
Bác ta có vẻ không hiểu tôi muốn nói gì, nhưng cái đồng hồ tính tiền của
bác ta nó hiểu ngay. Bác cứ việc nghe theo nó.
Tôi mở rộng tấm kính cửa xe ngó ra ngoài.
Không còn một dấu vết chiến tranh nào ở đây cả, mặc dầu hồi Tết Mậu
Thân nhiều chỗ đã tan nát.
Tôi đi qua nhiều phố và không thấy một sự quyến luyến nào. Tôi có cảm
tưởng kỳ quặc như cái chốn này đã thuộc hẳn về những người Trung Hoa.
Các bảng tên cửa hàng, rạp chiếu bóng, quảng cáo hầu hết đều được viết
bằng chữ Tầu. Tầu đặc, còn gì nữa?
Mỏi mắt, tôi quay vào trong xe, lại bắt gặp cái nhìn của người tài xế. Có
lẽ bác ta vẫn chưa hết thắc mắc, tôi có điên chăng?
Tôi nói cho bác hay dù chẳng thấy cần thiết:
- Tôi đi bắt ghen, bác cứ cho xe chạy, hễ thấy tôi sẽ kêu bác ngừng lại.