Trong cuộc chiến tranh đang diễn ra trên đất nước, có ngày nào chúng tôi
không phải loan đi những tin tức buồn thảm, và điều này, đã nhiều lúc
khiến tôi cảm thấy bất an. Thông báo một tai ương, giọng xướng ngôn viên
càng mạch lạc, khúc triết, càng dễ sợ, có phải vậy không? Cái điều ai oán
ấy đã bao lần xiết lại trong cổ họng Phụng, nhưng Phụng giữ kín một mình,
không nói với ai. Đọc những bản tin như thế, đôi khi, Phụng bỗng rợn
người thấy như mình góp phần gieo rắc tai ương, tiếng nói của mình càng
được đưa đi xa bao nhiêu càng dễ sợ bấy nhiêu.
Phụng nói:
- Tôi phải cảm ơn anh, vì nhờ những bài viết của anh, tôi đã được đọc
những điều tôi thích.
Sơn nói:
- Có một đêm giao thừa, tôi đã được nghe một xướng ngôn viên Việt ngữ
của chúng ta, tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình như trên đài BBC thì phải,
chúc tết các thính giả, và mời mọi người nghe bài "Tình Ca" của Phạm
Duy. Bài hát chúng ta nghe thường ngày, nhưng vào lúc ấy, qua làn sóng
điện ở một nơi xa thẳm đó, nghe văng vẳng, quả thật, không chỉ còn là
những tiếng nói thông thường nữa mà giống như sự chắp nối người nọ
người kia với nhau, và với đất nước. Mai này, có lẽ có lúc cô cũng phải
mang cái sứ mạng ấy những lúc cô nói đấy.
Phụng cười bảo:
- Nghe anh nói đủ sợ rồi.
Anh bạn bảo:
- Nói trên đài phát thanh là một nghề dễ thương chứ.
Phụng cười tiếp, bảo:
- Chỉ có xướng ngôn viên khó thương thôi.
Đúng trưa, mưa tạnh. Chỉ trong giây lát cả bầu trời lại sáng choang trong
nắng. Trên những quãng đường, nước mưa gặp nắng bốc hơi làm không khí
trở nên khó thở.
Phụng chia tay với người bạn, bảo: