lên thành những cái vẩy, lớn bằng đồng xu hay hơn một chút, giống như
vẩy rồng. Người làng tôi tin rằng, làng tôi đã thành tựu trên lưng một con
rồng. Ngày xưa, trong làng có một thầy địa lý giỏi, đã cho đào những hào
rạch chặn long mạch và thiết lập làng trên lưng rồng. Con rồng đã nhiều lần
uống nước, làm cho quãng sông chạy dọc theo chiều dài của làng, chỗ rồng
hút nước, dù trong ngày trời quang mây tạnh bỗng nổi sóng ầm ầm, nước
xoáy như trút vào trong một cái vực.
Đã có những người mạo hiểm, sau khi nước yên trở lại, thử lặn xuống
chỗ nước xoáy xem sao, nói rằng, đã thấy một cái vực sâu hoắm, nước lạnh
toát, phải ngoi lên, không dám lặn sâu hơn nữa, cũng chẳng còn hơi đâu mà
xuống sâu hơn nữa. Những ngày rồng hút nước như thế, các cụ đều ra đình
họp bàn việc làng, cúng khấn thành hoàng, sửa một mâm lễ vật, ra tận ven
sông, chỗ xẩy ra hiện tượng rống hút nước, chính cụ tiên chỉ mặc áo thụng
xanh đứng lễ và sau đó cùng với hai tráng đinh, đi một chiếc thuyền tam
bản nhỏ, đánh thanh la và trống, mang mâm lễ vật gồm hoa quả và xôi
trắng ra đúng chỗ nước xoáy thả xuống.
Tôi không biết thầy tôi có tin những chuyện đó không, nhưng chắc chắn
thầy tôi không có ý bài bác..
Các cụ trong làng đều tin rằng đất làng tôi là đất thần thánh, đến lúc phát,
dân làng sẽ vinh hiển.
Không biết đến ngày nay có còn ai tin như thế nữa chăng?
Và, cho đến bây giờ đất chưa phát thì bao giờ mới phát?
Trở lại chuyện cái mùi thơm phảng phất trong gian nhà thờ gia tiên, mỗi
khi có dịp về, anh vẫn ngửi thấy, nhưng vẫn không biết từ đâu phát ra.
Trông thấy anh nằm dài trên nền nhà hít hít như thế, ông tôi đã hỏi, "mày
làm cái gì như con chó thế", anh đã không làm sao trả lời được. Lạ lùng
một điều là khi đó, anh chẳng còn thấy cái mùi thơm đâu nữa. Anh đi ra
ngoài và khi trở lại, lại thấy cái mùi thơm ấy tràn vào mũi. Sau cùng anh
cho rằng, nó ở trong cái lọ cắm nhang bằng gỗ, lưu cữu bao nhiêu năm,
hương trầm ngấm vào thớ gỗ, mùi thơm còn sót trong các bát bình hương
đầy những chân nhang nhuộm đỏ, trong những bát nước thải, đã thấm vào