Hết sợ đèn, người ta sợ đến cái micro để trước mặt.
Qua các giai đoạn này, một xướng ngôn viên mới tự thấy được những
điều cần thiết để giọng nói của mình có thể rõ ràng hơn. Chẳng hạn mỗi
người sẽ tự định lấy cái khoảng cách giữa miệng mình và máy vi âm thế
nào là vừa. Công việc này, nghe nói, ở các đài phát thanh lớn của các nước
khác, đều do các chuyên viên kỹ thuật ở ngoài phòng vi âm sắp xếp.
Chúng ta chưa đủ các nhân viên như thế, nên chúng tôi phải tự lo liệu lấy
việc này, và ai có nhiều kinh nghiệm hơn thì chỉ dẫn cho người khác.
Phát âm với một cường độ đều đặn cũng là điều tối cần đối với một
xướng ngôn viên. Bằng kinh nghiệm người ta có thể biết khi nào miệng nên
ghé gần micro hơn một chút.
Tôi còn nhớ kỷ niệm đầu tiên khi vào phòng vi âm, thấy những chiếc bàn
dùng để đọc tin, mặt bàn không liền mà được ráp bằng những thanh gỗ
thành những ô lủng cách nhau chừng mười phân, đối với tôi khi ấy là một
điều kỳ lạ.
Tôi hỏi nguời nam xướng ngôn viên cùng làm với tôi, tại sao người ta lại
làm cái bàn như vậy?
Anh đã nhìn tôi cười bảo, để xướng ngôn viên có lỡ bỏ sót chữ nào thì nó
rơi ngay xuống gầm bàn khỏi phát ra ngoài.
Dĩ nhiên tôi ngẩn mặt không hiểu.
Cả tháng sau tôi mới được Sơn giải thích cho hay, bàn phải làm như vậy,
cho tiếng nói khỏi bi dội lại máy. Sơn cũng cho tôi biết, tại sao, việc mở
cửa phòng vi âm trong lúc đang lúc phát thanh cũng tuyệt đối bị cấm,
không phải chỉ vì sợ tiếng động lọt vào mà còn vì sự xáo trộn không khí có
thể gây ảnh hưởng tới phẩm chất của chương trình phát thanh, gây khó chịu
đối với thính giả.
Bây giờ cái đèn đỏ trong phòng vi âm đó là biểu hiện cho sinh khí đích
thực của cơ quan. Nó giống như trái tim của đài phát thanh.
Khi đang đọc bản tin, tôi thoáng trông thấy Sơn ở phía ngoài. Anh chờ
tôi đọc xong bản tin, để đi ghi âm một chương trình khác cho buổi tối.