Và là dịp để phát sinh ra những lời chọc ghẹo mới.
"Này đóng cửa làm gì nhau mà đến nỗi ướt hết thế kia?"
"Tắm hơi hả?"
"Có cần massage, để tôi".
"Ở trong chăn ra với nhau mà chẳng có tình nghĩa gì cả".
"Anh với em vào phòng đi".
"Cứ để đèn trông cho rõ".
Những ngày mới đi làm, tôi sợ hãi quá sức kiểu đùa bỡn ấy.
Nhưng dần dà tôi hiểu ra, đó là những liều thuốc lại sưc mau chóng, dù
nhiều khi, đã đùa bỡn khó tránh được sự quá trớn, chỉ những đứa con gái
như chúng tôi là khổ.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải nói, xin cám ơn những lời nói tục.
Cũng có lần tôi nói chuyện với Sơn về lối cười cợt đó, tôi hỏi anh, có
phải cái cười của chúng ta càng ngày càng "nặng" thêm không?
Sơn nói:
- Cũng tại hơi hướm của các bà, các cô cả. Càng ngày bà Hồ Xuân
Hương càng thắng lớn.
- Coi chừng ăn nói vớ vẩn có ngày chết.
- Không, cái này đã tự kiểm duyệt, chỉ phổ biến hạn chế.
Sơn hỏi tôi:
- Cô có coi phim Prenez garde à la flotte không?
- Sao?
- Cô cứ tưởng tượng sắp lâm trận, một ông đô đốc Mỹ vác ống nhòm
nhìn quanh, thấy trên cột cờ của chiến hạm thay vì lá quốc kỳ lại là một
chiếc quần lót đàn bà bay phất phới, do binh sĩ dưới quyền ông kéo lên.
- Trời đất! Rồi ông ta làm sao?
- Hình như ông ta bảo: "Cứ để họ thắng trận đã".
Câu chuyện của Sơn vừa khó hiểu vừa buồn cười.
Đó cũng là lần thứ nhất tôi tự hỏi, thực ra, người đàn ông này là ai?