Lá thư ngắn ngủi của anh làm tôi chẩy nước mắt. Anh nói đến may rủi,
đến sự tin tưởng bằng giong đùa cợt nhưng vẫn thấp thoáng cay đắng.
Thầy mẹ tôi, nghe tôi nói, tôi đã xin được đi xa, cũng mừng rỡ ra mặt,
mặc dù tôi biết rằng, mai ngày tôi đi, chắc chắn nhà sẽ buồn vô kể. Anh tôi
có khi cả năm không về đến nhà. Hai người sẽ sống trong lặng lẽ.
Thầy tôi đã về hưu năm năm nay, hai ông bà sẽ có chuyện gì để nói với
nhau mỗi ngày?
Rồi những ngày trái nắng, trở trời, ai sẽ là người săn sóc họ?
Vậy mà, cả thầy lẫn mẹ tôi, đều đã có cái vui mừng của những người, tôi
có thể thấy được, nhìn chuyến đi của tôi như là cách thoát được đứa nào
hay đứa ấy.
Mẹ tôi giúp tôi lo sửa soạn hành lý, may mặc và dặn dò tôi những điều
phải giữ gìn khi xa nhà.
Tôi cười nói với mẹ tôi:
- Ngoại quốc nghe nói thì xa, chứ máy bay bay thì vài tiếng đồng hồ là
con về đến nơi thôi mà.
Mẹ tôi rớm nước mắt bảo:
- Vẫn biết thế nhưng dễ gì lúc nào con muốn về đã về được. Còn công ăn
việc làm, bộ bỏ đấy mà đi à?
Tôi nói:
- Chẳng làm nữa thì thôi chứ.
Mẹ tôi vừa vuốt lại cho tôi cái tà áo mới trước khi gấp lại bỏ vào trong
va-li vừa bảo :
- Đừng nói vớ vẩn. Lo làm ăn, để dành để dụm sau này có chồng con, có
một chút mà phòng thân. Chứ trời đất này sống chết chẳng biết thế nào.
Tôi lấy giọng vui vẻ trấn an mẹ tôi:
- Con để dành gửi về mẹ mua cho con một cái nhà nhé.
Mặt mẹ tôi tươi hẳn lên:
- Ờ, đừng có tiêu phí tiêu hoài, để dành tiền mua đuợc cái nhà là tốt nhất.
Có gia đình rồi, đi ở thuê ở mướn, cực thân.