Tôi nói:
- Thiếu thì con mua, chứ bây giờ cái gì cũng mang theo làm sao được.
Mẹ tôi nói:
- Tụi bay sao làm biếng quá. Không mang đủ rét có phải khổ thân không.
Lạ nước lạ cái biết đằng nào mà lần.
Tôi nũng nịu với bà:
- Mẹ tưởng ngày nay cũng như ngày xưa sao? Đời sống bây giờ ở đâu
cũng gần giống nhau cả.
Mẹ tôi nói:
- Cứ có sẵn có hơn không.
Tôi làm bộ huênh hoang:
- Con nói được hai thứ tiếng, mẹ đừng có lo.
Mẹ tôi cười bảo:
- Tao vẫn nghe thầy than phiền tiếng Tây của tụi bay thì Tây nó về nước
là vừa rồi.
Tôi cũng cười bảo:
- Tiếng Tây của thầy bây giờ có khi Tây nó cũng không nói như thế nữa.
Mẹ tôi cười rung rung đôi má nhăn nheo của bà, nói:
- Thật ấy chứ lị. Ngày xưa tao thấy bác Huyện mày còn phải khen thầy
đấy.
Cái quá khứ vàng son ấy vẫn còn bám chặt trong ký ức của một số
người. Bây giờ là thời tàn tạ. Bác Huyện mà mẹ tôi vừa nhắc, ngày xưa đeo
bài ngà, ngày giỗ họ, ông đi xe hơi về làng, thì không phải chỉ có người
làng mà có cả người hàng Tổng tới chào đón.
Ngày tết, các cụ tiên chỉ, bô lão trong làng, đều đến nhà bác chúc tết. Khi
các cụ thắp hương lễ trước bàn thờ gia tiên, Bác Huyện, thầy tôi, các chú
tôi, đứng hai bên bàn thờ, đối diện với khách, khách lễ một lễ, mọi người
trong nhà vái lại khách một lễ. Cứ như thế nghi lễ diễn ra trong huơng trầm,
trong khói pháo, trong đèn nến sáng choang và những lời chúc tụng.
Cái mùa xuân rực rỡ ấy chẳng bao giờ người ta tìm thấy lại nữa.