thoát chết trong các cuộc hành quân, nhưng không bao giờ anh tỏ ý ao ước
được đổi về một chỗ ít hiểm nguy hơn chẳng hạn.
Không thể cứ mang mạng sống của mình ra đánh cuộc với may rủi mãi.
Song, biết làm sao đây? Tôi thương anh và rùng mình khi nghĩ tới thầy mẹ
tôi.
Tôi hỏi Thảo:
- Thảo có nhớ cái bài tối qua chị đọc không?
- Nhớ gì?
- Đoạn nói về trăng ấy.
- Sao?
- Chị nhớ mang máng cái câu "những đêm trăng sáng thế này, có bao kẻ
cưỡi được ánh trăng mà trở lại cố hương", thơ của Trương Nhược Hư thì
phải.
- Em không nhớ.
- Nhà chúng mình ở quê, có một con sông trước vườn.
- Em có nghe mẹ em nói.
- Bãi làng trồng ngô. Mùa hè, ngô mới lớn xanh mướt, những đêm trăng
sáng ra bãi chơi sướng lắm.
- Sướng gì?
- Anh Bằng nói, buổi tối đi bắt đom đóm không muốn về ngủ.
Thảo cười bảo:
- Nghĩ, như tụi mình cũng buồn thật.
Tôi không hiểu con nhỏ định nói gì. Tôi lắng nghe nó nói tiếp.
Thảo nói:
- Chẳng biết quê hương ở chỗ nào, có sống ở đâu cũng vậy thôi.
Đã có những lúc tôi nghĩ như con nhỏ. Vì sao người xưa, dù tha phương
cầu thực, dù vinh hiển ở nơi xa, ai cũng muốn trở về làng để chết. Nhờ vậy,
con cháu mới có được mối ràng buộc thực sự với đất đai, với quê hương.
Không có quê hương cũng như không có nguồn gốc, không có chỗ để trở
về. Đã không có chỗ để trở về, người ta sống ở đâu cũng vậy thôi.