Tôi tu một hơi hết sạch bát thuốc to đùng mà đắng ngắt, đắng kinh
khủng, thậm chí bã quả hạnh ngâm tôi cũng bỏ qua không ăn. Tôi ngoảnh
mặt cười với Vĩnh Nương, rồi bỗng dưng chẳng hiểu vì sao mà bà ấy lại rỏ
giọt nước mắt.
Tôi lấy làm lạ, hỏi: “Vĩnh Nương này, bà sao thế?”
Vĩnh Nương không nói, chỉ thẽ thọt: “Tóc Thái Tử Phi bị rối rồi, để nô tì
hầu người chải tóc.”
Chiếc lược sừng lướt trên tóc mang cảm giác dễ chịu lạ. Đôi bàn tay Vĩnh
Nương dịu hiền mà ấm áp, như đôi bàn tay mẹ. Bà chải đầu cho tôi, giọng
đều đều kể: “Nhớ hồi Thái Tử Phi mới vào Đông Cung đã đổ bệnh nặng,
mấy đêm liền người nóng hầm hập. Thái Y lại không dám tùy tiện cắt
thuốc, sợ nguy hiểm đến tính mạng. Nô tì túc trực bên người, lúc ấy người
vẫn chưa thạo tiếng Trung Nguyên, trong mơ người cứ khóc gọi ‘thiện tử,
thiện tử’, sau này nô tì mới biết, thì ra thiện tử trong tiếng Tây Lương có
nghĩa là mẹ.”
Tôi quên cả rồi, chỉ nhớ dạo chân ướt chân ráo bước vào Đông Cung, tôi
đã lăn ra ốm, bấy giờ nhờ Vĩnh Nương và A Độ chăm mãi mới khỏi được.
“Năm đó người mới có 15 tuổi.” Vĩnh Nương nhẹ nhàng giúp tôi vấn tóc
lên, “Thế là loáng cái đã ba năm trôi qua.”
Tôi ngoái đầu nhìn thì bà ấy cười: “Ngày sinh của Nương Nương, trong
cung quên, mà điện hạ cũng quên, hôm nay Nương Nương tròn 18 tuổi rồi.”
Quả là tôi quên khuấy mất, A Độ còn đương sống dở chết dở, hồn vía nào
mà đi nhớ tới sinh nhật. Dịch đình lệnh đáng lẽ phải nhớ những chuyện này,
có điều, nghe nói tình hình trong cung hiện nay đang rất lộn xộn, từ lúc Cao
Quý Phi xảy ra chuyện, những kẻ còn lại chắc chẳng ai chú ý đến những
việc cỏn con.