nhau, chỉ ngặt sen không vưởng mùi hương. Hiền Phi sai người thả đèn hoa
sen có kèm bánh thơm xuống hồ, bánh thơm cách ánh nến qua đĩa đồng, hơi
nóng dậy hương nồng nàn, hương bay theo gió đưa xa, ngay cả cung tần mỹ
nữ hậu cung cũng thơm kém phần. Trên lán ven hồ, bộ Nhạc dàn dựng khúc
Lăng Ba(*), cung nữ xòe váy màu xanh biếc nom như những nàng tiên lá
sen đang dập dìu điệu Lăng Ba. Ánh nến trên chiếc lán lung linh chảy tràn
xuống những ngọn sóng dập dềnh, hắt lên thứ ánh sáng lấp lánh tựa ngàn
sao.
(*Lăng ba khúc vốn là một vũ khúc nổi tiếng ở thời Đường)
Bệ Hạ rất hài lòng với cách bài trí nơi đây, người khen Hiền Phi khéo léo
linh hoạt. Nhất là việc đặt bánh thơm dưới đèn hoa sen, Hiền Phi mỉm cười
thưa rằng: “Đây nào có phải ý của thần thiếp, có điều ngày thường thần
thiếp vẫn cảm khái, hoa sen đẹp đấy, chỉ tiếc không hương. Cung nữ A Mãn
theo hầu thần thiếp xưa nay vốn khéo léo, liền nghĩ cách, sai người chế loại
đèn hoa sen này, được Bệ Hạ khen ngợi, âu cũng là phúc của A Mãn, thần
thiếp xin được gọi A Mãn đến tạ ơn người.”
Nàng cung nữ tên A Mãn kia chỉ chừng 16, 17 tuổi, lúc ấy lững thững
bước ra, uyển chuyển thi lễ với Bệ Hạ, đoạn ngước nhìn lên, vẻ đẹp của
nàng ta quả thực khiến nhiều người phải hít một hơi thật sâu, nom có phần
xinh đẹp hơn cả Nguyệt Nương. Ai ai cũng chung cảm nhận rằng nàng ta có
nét thanh tú tựa một đóa sen trắng, xinh xắn không gì bì được. Bấy giờ có lẽ
Bệ Hạ cũng bị dung nhan mỹ miều kia làm cho ngơ ngẩn một hồi, sau đó
người thưởng cho A Mãn một đôi bình ngọc, một tráp trầm hương. Tôi còn
tưởng Bệ Hạ sẽ nạp nàng ta làm phi tử, ai ngờ bỗng nhiên Bệ Hạ nói với Lí
Thừa Ngân rằng: “Ngân Nhi, con cảm thấy cung nữ này thế nào?”
Lí Thừa Ngân ngồi đối diện tôi, nom chàng có vẻ mệt mỏi, từ bấy đến
nay chưa lên tiếng câu nào. Giờ nghe Bệ Hạ đột nhiên hỏi mình, chàng mới
đảo mắt qua A Mãn một lượt đoạn lạnh nhạt thưa: “Quả là mỹ nhân ạ.”