Tôi nhớ ra hai gã cùng đoàn bị giữ lại trong thành, liền sai A Độ đưa cho
gã một miếng vàng lá.
Kể từ lúc đó tôi thấy hối hận vì sự hào phóng của bản thân.
Gã Cao Ly vừa thấy vàng, mắt đã thiếu điều phát sáng. Suốt dọc đường
đi, gã bạ đâu liền kiếm cớ vòi vĩnh đấy, nào là ăn cơm thì bọn tôi phải trả
tiền, ở nhà trọ cũng cần bọn tôi trả tiền, suốt cả ngày, hễ cứ mở mồm ra là
lại thét giá. Tuy tôi khôn ngoan cũng chỉ loại xoàng thôi, nhưng 3 năm ở
Thượng Kinh, gần như ngày nào chẳng rong ruổi trên đường với A Độ, tôi
biết tỏng thứ gì cần mua bao nhiêu tiền. Bình thường chỉ cần 2 lá vàng là đã
đủ mua 1 căn nhà rồi, bọn Cao Ly kia ăn có một bữa cơm thôi mà cũng đòi
tôi một lá vàng, chúng vòi vĩnh chẳng khác nào coi tôi là kẻ tiêu tiền như
nước. Tôi tự nhủ đằng nào thì cũng là tiền của Lí Thừa Ngân, nên tôi tiêu
chẳng xót ruột tẹo nào, vả lại quả thực chúng còn có bạn bị giữ trong thành,
thôi thì để chúng ăn chặn một tý cũng chẳng đáng bao nhiêu, thế là tôi chỉ
có nước giả đò coi như mình không biết giá cả. Đánh rằng lũ Cao Ly ấy
tham lam vô độ, nhưng sống cũng cơ cực lắm, hàng ngày trời chưa tỏ đã
phải dậy, rồi đến tối sẩm mới được nghỉ chân. Ngày nào cũng rong ruổi suốt
8, 9 khắc, 3 năm rồi giờ tôi mới có dịp ngồi lâu trên lưng ngựa đến thế,
ngựa lắc lư khiến xương cốt đau rừ, tối đến vừa dừng chân trong quán trọ,
đầu chạm gối là ngủ ngay tức thì.
Đêm nay đương lúc ngủ ngon thì A Độ chợt lay tôi dậy. Trên tay đã cầm
đao, trong bóng tối, thấy đôi mắt nàng ấy ánh lên, tôi cuồng cuồng bật dậy,
se sẽ hỏi: “Người của Lí Thừa Ngân mò đến à?”
A Độ lắc đầu. Cũng chẳng rõ nàng ấy không biết, hay không đoán ra.
Chúng tôi nín lặng mọp người đợi trong bóng tối, bỗng một tiếng “xẹt”
vang lên, nếu như không để ý, chắc cũng chẳng nghe thấy. Rồi một đoạn
ống trúc nhỏ xíu chọc qua giấy dán cửa sổ, thòi vào. A Độ và tôi đưa mắt
nhìn nhau, đầu ống trúc chợt phun khói trắng, tôi vừa hít hà đã cảm giác