xảo. Mấy tháng trước đó, dưới sự đôn đốc của Vĩnh Nương, tôi đã thuộc làu
làu như cháo chảy quyển “Lễ Điển”, giờ đã hiểu đấy là áo huyền, huân
xiêm, thêu 9 chương. 5 chương trên áo có rồng, núi, chim trĩ, lửa, tôn ri; 4
chương trên xiêm có rau tảo, gạo trắng, búa, phất. Áo trung đơn bằng sa
trắng, cổ áo lễ có thêu hoa văn nửa đen nửa trắng, viền xanh đen, có tự và tà
áo. Dây lưng to bản da tê, móc vàng sáng chói, đai trắng thuần trong không
màu son, cũng vải lông lấy màu đỏ thắm và xanh lục, khuy đan bện. Hoa
văn tùy theo màu áo, 2 chương gồm lửa và núi cũng vậy.
Chàng mặc áo cổn mũ miễn của dịp đại lễ, ngọc trắng chín chuỗi kết
thành dải, màu xanh khoáng như băng lụa phủ qua tai, cài trâm bằng sừng
tê, tôn lên vẻ khôi ngô tuấn tú, dung mạo đường đường.
Lúc đó, tôi tưởng đấy là đầu tiên đôi ta gặp gỡ. Vậy mà chẳng hay, đôi ta
đã từng gặp nhau nơi đất Tây Lương dưới ánh trăng ngập tràn.
Sau cùng tôi nhớ, khoảnh khắc mình vừa cắt lìa dải dây lưng, lệ đã tràn
trong đôi mắt chàng.
Nhưng muộn rồi, chúng ta cãi vã đã 3 năm, vậy mà vẫn phải lòng nhau.
Đây là sự trừng phạt của thánh thần dành cho những kẻ đã từng uống nước
con sông Quên, đáng lẽ ra đôi ta nên mãi mãi chia xa, mãi mãi không được
phép nhớ về nhau.
Tôi yên lòng nhắm mắt, cơ thể rơi xuống chóng vánh, chờ đợi thân mình
vỡ vụn.
Thế rồi cơ thể bị hẫng giữa chừng, cơn đau buốt trong tưởng tượng chưa
kịp đến, tôi đã mở mắt nhìn, cánh tay mát rượi của A Độ đang bao bọc tôi,
tuy A Độ gắng sức nhảy vọt lên, song trên đời này không một ai có thể chịu
được lực tổn thương lớn đến thế, hình như tôi còn nghe rõ từng tiếng xương
vỡ vụn của A Độ, nàng ấy lấy thân mình làm tấm đệm thịt cho tôi đáp đất.
Trước mắt tôi là máu từ mũi, từ tai, từ mắt A Độ ứa ra, tôi gào to: “A Độ!”