- Khoan đã. Cô… là gì của ông Thư?
- Cháu là… người nhà…
Người đàn ông gật đầu, cười. Đông Hà đạp xe đi. A, biết đâu ông ta mà
nghe mình khai là con gái của ông Thư, lại chẳng vào quay điện thoại để
“báo tin” trước nhỉ! Phải dành cho ba một sự bất ngờ. Ba sẽ chưa ngờ được
rằng hôm nay Đông Hà đến gặp ba, giữa buổi trưa nắng gắt. Ba sẽ làm sao
nhỉ? Giờ nầy chắc ba đã ăn cơm xong. Ba đang nằm nghe nhạc, hay ba
đang ngủ, hay ba đang nằm gác tay trên trán và nghỉ đến ngày con mười
tám tuổi? Trong tâm trí như có lời chế nhạo: “Nhiều tưởng tượng quá,
Đông Hà! Sắp đến nhà của ba rồi. Đạp xe nhanh lên! Nhanh lên!” Và Đông
Hà đã thấy dãy nhà trệt.
Tự nhiên tim đập thật mạnh trong ngực. Đông Hà xuống xe. Không muốn
tiếng sên quay làm vỡ tan sự yên lặng. Qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang
mương nước, Đông Hà vào đến mái hiên chung cho cả dãy nhà. Những căn
nhà ở đây đã trở thành nhà riêng của “họ” rồi. Bước chân Đông Hà dừng
lại, và Đông Hà lắng tai nghe. Có tiếng trẻ khóc trong căn nhà đầu tiên, và
tiếng ru con bắt đầu. Đông Hà mỉm cười. Đời sống là như thế. Có những
thời điểm khắc nghiệt trong đời người. Rồi cũng qua. Và tiếp tục bằng
những đoạn bình thản. Là tiếng khóc trẻ thơ. Là tiếng ru của vợ hiền. Là
hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng quý giá. Nhưng hạnh phúc đó không gõ cửa căn
nhà thứ ba. Đông Hà đã thấy rồi. Cánh cửa sơn xanh, bạc màu vì nước
mưa, đóng kín lại như khước từ mọi chuyện. Không nghe tiếng người nói.
Không có tiếng nhạc. Ba đang ngủ? Ba đang quên như mọi ngày tìm quên?
Đông Hà dựng xe ở trước cửa rồi đứng đó thật lâu. Muốn gõ cửa, nhưng
con không phải là khách. Muốn lên tiếng gọi “ba ơi”, nhưng chắc ba sẽ
tưởng ba nghe lầm. Hình như cửa không khóa. Đúng rồi, ở đây ba không sợ
trộm đạo. Đông Hà đẩy cửa bước vào- như đứa con thân tình ngày ngày đi
học rồi trở về căn nhà quen thuộc, và đứng sững giữa căn phòng trống lạnh,
tranh tối tranh sáng vì tất cả cửa sổ đều đóng kín.