một nghề nào. Con muốn săn sóc ba.
- Để làm gì?
- Để… , vì… con thương ba.
Đông Hà ứa nước mắt. Ba cười lớn:
- Như vậy không phải là thương ba. Thương ba, con phải học. Chính
ba muốn thế. Con không thể giam đời con ở đây như ba. Ba muốn con
thành người.
- Con học để phụng sự cho ai?
Ba nói trầm giọng xuống:
- Cho ba, cho ước nguyện của ba. Cho nhiều người. Cho lý tưởng mà
con đang hướng tới. Nếu ba muốn con bần hàn, dốt nát, ba đã đem con về
đây “hầu hạ” ba từ hồi con còn nhỏ rồi. Nói đi Đông Hà, con muốn về sau
sẽ làm gì?
Đông Hà ngập ngừng:
- Con… theo nghề thuốc, được không ba?
- Đó là mong ước của ba.
Ba lại cười sung sướng. Đông Hà lau mắt, cười theo. Thấy ba như trẻ lại
đến mấy tuổi. Hôm nay trong mắt ba đã có một chút ánh nắng. Da mặt như
cũng hồng hào hơn, và giọng cười sang sảng làm gợi lại cả một thời gian
hạnh phúc êm đềm xa lắc. Đông Hà lại nghe mắt cay xé khi thấy nửa thân
dưới của ba bất động. Tấm chăn đắp trên chân ba vẫn nhắc nhở cho Đông
Hà biết rằng ba đang chịu một mất mát, chịu một khổ đau, chịu một căm
giận. Khi thức giấc, khi ăn uống, khi nói chuyện, ba hơi nhô người lên để
ngồi. Khi ngủ, ba nằm thấp xuống. Nghĩa là không có gì khác mấy. Ít khi
ba dùng xe lăn. Ít khi ba ra đến cửa. Mặt trời lên ngoài kia, ba không thấy.
Đêm xuống với mọi người, ba không cần biết. Ba sống hơn một người mù,
hơn một người điếc. Ba sống với thời gian riêng của ba. Vì mất khả năng di
chuyển, là mất hai phần ba sức sống.
Có tiếng khóc thét của đứa trẻ ở căn nhà đầu dãy. Đông Hà thấy ba lắng
nghe, đôi lông mày hơi nhíu lại, rồi ba hỏi:
- Con nghe gì không?