Đáp lời yêu cầu, ông Trương-Quan phải nhờ người về tận Thượng-hải
mua giùm cho chúng tôi một bổn.
Của báu cầm tay, chúng tôi đến nhờ Cụ dẫn giải giùm điều thắc mắc : «
Tại sao một tác phẩm giá trị dường kia, mà từ xưa, trong xứ ta chưa từng
nói đến ? »
Cụ giảng : « Những sách Trung-Hoa được phiên dịch và truyền bá ở
Việt-Nam phần nhiều vì ba cớ : Một là bởi có nhiều người bị bắt buộc phải
đọc đến, cho nên bàn tới cũng nhiều, dịch ra không ít, đó là những sách có
tên trong chương trình thi cử. Hai là các thứ sách quyến rủ người vì cốt
chuyện, ấy là lịch sử tiểu thuyết tức là truyện. Còn về loại thứ ba là vận văn,
vì đọc lên nghe êm tai, lại dễ nhớ, nên có nhiều người ưa thích.
« Đông-Lai bác nghị không đứng vào ba hạng đó. Vì là văn phê bình
nên đòi hỏi ở độc giả một trí phán đoán mà người đời ít hay dùng đến. Và là
văn nghị luận nên khô khan mà bắt buộc người đọc phải suy xét mới thưởng
thức. Không có vần, thiếu cốt chuyện hấp dẫn, lại không được ghi vào
chương trình thi cử, như vậy ít người biết đến thì cũng là một chuyện không
lạ. Nói thế không phải bảo sách ấy không có độc giả ! Ngoài số thí sinh
hiếu kỳ nên tìm Đông-Lai đọc trước khi vào đình thí, phần đông, các người
mê thích sách đó toàn là những kẻ đã đỗ đạt, ra làm quan, ưa dùng quyển
Bác-nghị để kiểm điểm hành động trong lúc chăn dân hay khi xử thế. Rồi
đến lúc chiều tà bóng xế, khi đã mỏi mệt thì trí muốn yên nghỉ hơn là dịch
sách ? Vả lại đối với các bực tiền bối ấy, dịch hay viết sách là một sự ngoài
tưởng tượng. Đối với họ, học là hành nghĩa là đem ra áp dụng, để làm tròn
bổn phận của mình, chớ không dám học để truyền cho ai cả. »
*
Rồi theo lệ thường, Cụ giải thích, chúng tôi ghi chép. Cả thảy được
tám mươi bốn bài.