Mỗi bài là một sự ngạc nhiên. Trong văn chương Trung-Hoa, chúng ta
thường bực mình vì gặp lời nhiều hơn ý. Với Lữ Đông-Lai, câu văn đẹp đẽ
vẫn đi kèm với tư tưởng cao thâm. Lắm bài không đầy gang tấc mà chất
chứa ý dài muôn vạn dặm. Càng suy xét, càng thấy sâu rộng. Về mặt tâm lý
thực nghiệm và chánh trị thực hành, chưa chắc có quyển sách nào trong văn
chương Âu-Mỹ sánh kịp Đông-Lai bác nghị. Ấy là chưa bàn đến lý luận,
phần cốt yếu của sách. Mở đầu cho mỗi bài, tác giả nêu ra một tư tưởng
căn-bản, nhiều khi không dính-líu với cốt chuyện đem ra phê-bình.
Độc-giả còn tưởng nhà văn lạc đề, thì chỉ vài câu, đã móc dính đầu-đề
với ý-niệm căn-bản. Rồi dùng câu chuyện đem phê-bình để chú-thích tư-
tưởng chánh ghi trên đầu bài.
Trước với sau, đầu với đuôi đều ăn khớp, các bộ-phận liên-lạc cùng
nhau một cách tế-nhị làm cho độc-giả tưởng là đương nghe nhà toán-học
khéo chứng-minh một định-lý của hình-học.
*
Rồi một hôm, mấy người bạn tình-cờ đến viếng giữa giờ giảng dạy của
cụ, đó là ngẫu nhiên thứ ba.
Cũng như chúng tôi, các bạn đều bị câu văn trong-sáng và lập-luận
huyền-diệu của Đông Lai hấp-dẫn nên mới khuyên chúng tôi cho xuất-bản.
Từ-chối là sự dĩ-nhiên, vì bổn-tâm của chúng tôi là chỉ học cho mình… Lý-
luận của các bạn thật cũng chặt-chẽ : « Hiện nay, quốc-văn đương nghèo…
học-sanh thiếu món ăn tinh-thần, v.v…. Trong lúc các tiểu-thuyết khiêu-
dâm chường mặt trên báo và trong hàng sách thì ôm giữ cho mình một tác-
phẩm có giá-trị là một việc… ích kỷ, một tội to đối với nền học-vấn ».
Không phương chối-cãi, đành phải nghe theo. Từ đây mới gặp bao nỗi
khó …
*