Lần đầu tiên, chúng ta thấy Lữ Đông-Lai mất trầm tĩnh vì đã bỏ địa vị
khách-quan của nhà bàn sử. Phải chăng vì đương trông thấy nguy vong của
nước dưới trào nhà Tống, rồi đọc sử đến chỗ loạn ly của nước Tống, đến
cái chết thống khổ của Đảng Ý-Chư nên Đông-Lai không tránh khỏi cơn
xao xuyến ?
Nhóm thứ hai bàn về chánh trị… Nhưng có bài luận nào của Đông-Lai
không nói đến chánh trị ? Như các bài vừa kể trên đều đứng được vào
nhóm nầy. Trong đó, trước hết, Lữ Đông-Lai khuyên nên tránh : sự « yên
vui » (Quản-Trọng xin cứu nước Hình), xa-hoa vô lý (Vệ Ý-công hiếu-hạc),
hư-danh (Tề-hầu cứu Hình phong Vệ), mục-đích quá hèn thấp (Quỳ-khâu
đại-hội), có danh không thực (Thân Vô-Úy nhục kẻ dong xe vua Tống). Đây
là một ý-niệm chánh của Đông-Lai về xử-thế, có thể tóm-tắt như sau : mỗi
người đều có một địa-vị do tài-ba hay đức-độ tạo ra, còn bên ngoài một
hoàn-cảnh do người đời hay số-mạng gây nên. Trước hết một sự dĩ-nhiên :
khi gặp tình-cảnh không thuận-tiện, mà tìm phương trốn-tránh, thì chắc-
chắn là mua lấy họa. Trái lại, khi thời-cuộc quá thuận-tiện, quá chiều theo
ý muốn, tỉ như ta không tài, không đức mà cảnh-ngộ lại khéo bày trò cho
thiên-hạ có thể lầm tưởng tài với đức của ta song-toàn thì khi đó, ta phải
hết sức thận-trọng, vì hoặc người đời muốn hại ta, hoặc số-mạng quyết hại
ta. Ý-tưởng đó, Lữ Đông-Lai đã mượn nhiều chuyện để chứng-minh. Chúng
tôi xin nhường cho bạn đọc cái hứng-thú tìm thấy hoặc nguyên-ý hoặc một
nhành con, một phần ý ở trong nhiều nghị-luận. Với các bài sau, Đông-Lai
chỉ những cần-yếu đối với chánh-trị : trong nghi-lễ (Nam-Cung Trường-
Vạn thi Tống Mẫn-công), được lòng dân (Tào Uế luận chiến), noi theo lề-
lối thường, tránh sự lập-dị (Tống Mục-công lập Thương-công), thận-trọng
lúc phê-bình (Hoa Ngẫu từ yến), cẩn-thận khi chọn bộ-hạ (Hoa Nguyên làm
thịt dê thết-đãi ba quân), xét mình bằng việc người (Tấn Hoài-công giết Hồ
Đột), dự-luận (bài minh của Lễ-Chi).