Nhóm thứ ba nói về tâm-lý, Đông-Lai phân-tách tình yêu của nàng
Hoài-Danh (Thế-tử Ngữ trốn về nước), ăn-năn (Tiên Trẩn tử-tiết), tham-
vọng và căm hờn (Thành Đắc-Thần, Khước Khắc), sự nông-cạn của tấc
lòng (Dương Xử-Phủ).
Nhiều lời bàn tuy chung một đầu-đề, nhưng vì lập-luận quá khác nhau
nên không thể sắp chung vào một loại.
Như về thuật can-gián trong bài « Tang Hi-Bá can việc đi coi lưới cá
», Lữ Đông-Lai chỉ-trích sự khuyết-điểm của lối can-gián thông-thường,
trình một phương-lược dễ thành công. Mở đầu bài đó, ông sắp hạng ba
cách can vua. Như một điệp-khúc, ba phương-pháp ấy được lặp lại với
nhiều thí-dụ mà câu-chuyện Hi-Bá là một. Rồi khi kết-luận còn trở lại điệp-
khúc ấy. Một nghị-luận chặt-chẽ như bài toán, trình-bày như bản đờn, các
lý-lẽ lập lại như điệp-khúc, bài đó tuy ngắn, nhưng đáng quý như một áng
văn kiệt-tác.
Bài thứ hai, « Dục Quyền cầm khí-giới can vua » nhắc lại những đức-
tánh cần-thiết cho quan gián-nghị rồi vạch rõ ranh-giới của sự can, đến
đâu phải ngừng lại.
Đến bài « Tang Ai-Bá can dùng đỉnh », Lữ Đông-Lai đã lìa khỏi thuật
can để bàn đến người nạp lời gián. Vì nếu không thận-trọng, can người
không xứng, có thể bị tội liên-can. Bỏ vai tuồng luân-lý, Đông-Lai khoác áo
chưởng-lý gom-góp các lý-đoán, chứng-minh lời nói bằng thí-dụ rành-
mạch, rồi kết-án nghiêm-trang, cho thấy tài hùng-biện tương-đương với
Chaix d’Est d’Ange, Lachaud hay Henri Robert của tòa-án Pháp. Ba bài
bổ-cứu lẫn nhau, bàn-xét trọn một vấn đề, có thể giúp chúng ta trong việc
khuyên bạn, can anh, hoặc chỉ bảo cho người lầm đường một cách đắc lực.
*
Cùng nhau chúng ta lần bước theo dòng tư tưởng của Lữ Tổ-Khiêm.